Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tại thị trường New York giao tháng 5/2020 hạ 1,09 USD (tương đương 4,8%) xuống 21,51 USD/thùng và lùi 5% trong cả tuần qua. Trong khi đó, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tại thị trường London cũng mất 1,41 USD (5,4%), xuống 24,93 USD/thùng, qua đó nới rộng đà giảm của cả tuần lên 7,6%. Như vậy, cả 2 loại dầu chủ chốt này đều chứng kiến tuần giảm giá tứ 5 liên tiếp.
Giá dầu thế giới giảm mạnh đã dẫn đến việc số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ liên tục giảm bớt trong hai tuần qua. Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes gày 27/3 cho hay, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã giảm 40 giàn xuống 624 giàn, sau khi mất 19 giàn trong tuần trước đó.
Trong khi đó, cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia tiếp tục kéo dài. Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư quốc gia Nga, trả lời hãng tin Reuters rằng, một thỏa thuận OPEC+ mới có thể được thiết lập nếu các nước khác tham gia. Ông Dmitriev cho biết, Nga đang liên lạc với Saudi Arabia và các nước khác để đề xuất về kế hoạch này. Dựa trên những cuộc liên lạc, Moskva nhận thấy nếu số lượng thành viên OPEC+ tăng và các nước khác cùng tham gia, có thể đạt được một thỏa thuận chung nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, cùng ngày, Saudi Arabia cho biết, Vương quốc này không có bất kỳ liên hệ nào với Moskva về việc cắt giảm sản lượng dầu hay xây dựng liên minh OPEC+.
Từ đầu tháng Ba tới nay, giá dầu WTI và Brent đã để mất 50%, do sự phong tỏa của các nền kinh tế chủ chốt nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, khiến nhu cầu dầu thô giảm đáng kể. Ba phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 23-24-25/3), giá dầu thế giới đi lên khi thị trường kỳ vọng các chương trình kích thích kinh tế mới của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giúp bù đắp những tổn hại do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. Fed đã đưa ra thêm một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, đồng thời tuyên bố sẽ mua một lượng không giới hạn trái phiếu Chính phủ Mỹ và các chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp để hỗ trợ hoạt động của các thị trường tài chính. Trong khi đó, các lãnh đạo Nhà Trắng và Thượng viện Mỹ đã đạt được thỏa thuận vào sáng sớm ngày 24/3 về gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD nhằm mục đích hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới trước những ảnh hưởng bất lợi ngày càng tăng của dịch COVID-19.