Khép phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,65 USD (4,6%) xuống 34,52 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,54 USD (4,5%) xuống 32,81 USD/thùng.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tác động tới hoạt động kinh doanh và nhu cầu dầu mỏ vốn đã sụt giảm mạnh do dịch COVID-19.
Ngày 27/5, Điện Kremlin cho biết trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã nhất trí "phối hợp chặt chẽ" hơn nữa về hạn chế sản lượng dầu mỏ. Tuy nhiên, thị trường cũng cảm thấy Nga đã gửi tín hiệu khó đoán định trước cuộc họp giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác dự kiến diễn ra vào 9 - 10/6 tới.
Dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã gây áp lực lên giá dầu thô. Các nhà kinh tế ước tính sẽ có thêm 2 triệu người Mỹ nộp đơn đăng ký bảo hiểm thất nghiệp vào tuần trước. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cũng cảnh báo kinh tế Khu vực đồng euro có khả năng giảm từ 8% đến 12% trong năm nay.