Tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 45 xu Mỹ (1,2%) xuống 35,72 USD/thùng vào lúc 16 giờ 06 phút (giờ Việt Nam) và giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 26 xu Mỹ (gần 1%) xuống 34,09 USD/thùng.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tác động tới hoạt động kinh doanh và nhu cầu dầu mỏ vốn đã sụt giảm mạnh do dịch COVID-19.
Dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã gây áp lực lên giá dầu thô. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo kinh tế Khu vực đồng euro có khả năng giảm từ 8% đến 12% trong năm nay.
Giới kinh doanh dầu mỏ cũng đang chú ý đến các tín hiệu về cuộc họp giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6/2020.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 27/5 cho biết đầu tư năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ giảm khoảng 20% (400 tỷ USD) trong năm nay do sự bùng phát của dịch COVID-19.
Giá vàng châu Á vẫn gần mức thấp nhất 2 tuần
Giá vàng tại thị trường châu Á trong phiên chiều 27/5 đã giảm xuống sát mức thấp nhất 2 tuần qua trước sự lạc quan về việc mở cửa trở lại của nền kinh tế thế giới khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Vào lúc 14 giờ 42 phút ngày 27/5 (giờ Việt Nam), giá vàng tại thị trường châu Á giảm 0,2% xuống còn 1.707,85 USD/ounce, sau khi đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 13/5 là 1.703 USD/ounce trong phiên giao dịch trước đó.
Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,5% xuống còn 1.697,60 USD/ounce.
Theo chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak của DailyFx, giá vàng đang chịu ảnh hưởng của tình hình nới lỏng lệnh phong tỏa ở các nước với sự phục hồi một phần các hoạt động kinh tế trong khi căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc là một rủi ro lớn. Các số liệu công bố ngày 26/5 cho thấy niềm tin tiêu dùng của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đã tăng trong tháng 5/2020 trong khi doanh số bán nhà mới ở nước này cao hơn dự kiến.
Tuy vậy, theo một cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh), triển vọng hồi phục kinh tế của các nước phát triển trong năm 2020 đã giảm trở lại trong tháng 4/2020 với khả năng kinh tế phục hồi nhanh sau giai đoạn suy giảm dự kiến khó có thể xảy ra. Chuyên gia Spivak cho rằng những hệ quả dài hạn của tình trạng phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan sẽ không sớm “biến mất”.
Còn trên thị trường các kim loại quý khác, giá palladium tăng 0,6% lên 1.967,72 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,2% lên 831,16 USD/ounce trong khi giá bạc giảm 0,4% xuống còn 17,04 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 14 giờ 18 phút ngày 27/5, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,32 - 48,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).