Giá dầu thế giới giảm trong bối cảnh bất ổn về thuế quan

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 15/4 khi các nhà đầu tư cố gắng đánh giá những diễn biến mới nhất liên quan đến chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tác động tiềm tàng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.

Chú thích ảnh
Giàn khoan dầu tại Luling, Texas, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 21 xu (0,3%) xuống 64,67 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 20 xu (0,3%) xuống 61,33 USD/thùng.

Các chính sách thương mại thiếu nhất quán của Mỹ đã tạo ra sự không chắc chắn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu. Điều này đã khiến Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) phải hạ dự báo nhu cầu vào phiên ngày 14/4. Tiếp đó ngày 15/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa ra dự báo rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2025 sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 5 năm, do lo ngại về tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Tổng thống Trump.

Sự không chắc chắn về thuế quan này cũng đã khiến một số ngân hàng, bao gồm UBS, BNP Paribas và HSBC, phải cắt giảm dự báo giá dầu thô.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định nếu chiến tranh thương mại leo thang hơn nữa, kịch bản rủi ro tiêu cực, tức là suy thoái sâu hơn ở Mỹ và hạ cánh cứng ở Trung Quốc, có thể khiến giá dầu Brent giao dịch ở mức 40 - 60 USD/thùng trong những tháng tới.

Những lo ngại về thuế quan của Tổng thống Trump, cùng với việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tăng cường nguồn cung, đã khiến giá dầu lao dốc khoảng 13% tính từ đầu tháng đến nay.

Trước đó, giá dầu đã nhận được sự hỗ trợ sau khi Tổng thống Trump ngày 14/4 cho biết ông đang xem xét điều chỉnh mức thuế 25% áp lên ô tô nhập khẩu từ Mexico và các nước khác.

Giá nhập khẩu của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 3/2025, do chi phí năng lượng giảm. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt trước khi các chính sách thuế quan sâu rộng của ông Trump có hiệu lực.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại rằng các chính sách thuế quan của ông Trump có thể thúc đẩy lạm phát, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khó có thể cắt giảm lãi suất. Fed và các ngân hàng trung ương khác thường sử dụng lãi suất cao hơn để chống lại lạm phát gia tăng, điều này làm tăng chi phí tiêu dùng và có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu năng lượng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt đỉnh 14 triệu thùng/ngày vào năm 2027 và duy trì mức đó cho đến cuối thập kỷ, trước khi sụt giảm nhanh chóng. Viện Xăng Dầu Mỹ (API) dự kiến được công bố báo cáo về dự trữ xăng dầu vào cuối ngày thứ 15/4 theo giờ địa phương và EIA dự kiến công bố báo cáo trong ngày 16/4 theo giờ địa phương.

Các nhà phân tích dự báo các công ty năng lượng đã rút khoảng 1 triệu thùng dầu khỏi kho dự trữ của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 11/4. Con số này trái ngược với mức tăng 2,7 triệu thùng trong cùng tuần năm ngoái và mức tăng trung bình 4,2 triệu thùng trong 5 năm qua (2020 - 2024).

Minh Hằng/TTXVN (Theo Reuters)
Giá dầu thế giới lao dốc gây lo ngại cho các nhà sản xuất lớn
Giá dầu thế giới lao dốc gây lo ngại cho các nhà sản xuất lớn

Thị trường dầu mỏ toàn cầu vừa trải qua những ngày đầy biến động. Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump kết hợp với động thái gây sốc của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã thổi bùng lo ngại trong cộng đồng các sản xuất dầu lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN