Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 1,37 USD (tương đương 1,7%), được giao dịch ở mức 78,5 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,27 USD (tương đương 1,7%), xuống mức 74,15 USD/thùng. Đây là ngày thứ hai liên tiếp giá của cả hai loại dầu này đi xuống.
Dữ liệu kinh tế công bố ngày 17/7 của Trung Quốc cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023 của nước này tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn so với con số dự báo của các nhà phân tích là 7,3%, do đà phục hồi sau đại dịch của nước này yếu đi.
Chuyên gia Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ngân hàng ING nhận định GDP ở dưới mức kỳ vọng của thị trường, do đó sẽ không làm giảm bớt những lo ngại của các nhà đầu tư về triển vọng kinh tế Trung Quốc.
Ông Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của ngân hàng BOK Financial, cho biết hoạt động mua vào của các quỹ phòng hộ đã chậm lại, bởi nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu về dầu có thể đã bị phóng đại sau những con số kinh tế yếu từ Trung Quốc.
Từ đầu tháng 7/2023, giá dầu liên tục tăng sau khi Saudi Arabia chính thức cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên,đà tăng này đã bị hạn chế bởi triển vọng nhu cầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn thấp.
Trong ngày 17/7, bên cạnh yếu tố chính là Trung Quốc giá dầu còn chịu áp lực từ việc Libya bắt đầu khai thác trở lại hai trong ba mỏ dầu bị đóng cửa vào tuần trước, bổ sung phần sản lượng bị cắt giảm.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Nga dự báo sẽ giảm từ 100.000-200.000 thùng/ngày vào tháng tới. Dấu hiệu này cho thấy Nga đang thực hiện tốt cam kết cắt giảm nguồn cung cùng với Saudi Arabia.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA),ngày 17/7, cho biết sản lượng dầu đá phiến của Mỹ nhiều khả năng cũng có thể giảm xuống gần 9,40 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2023. Đây sẽ là mức giảm hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 12/2022.