Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 10/7) do khả năng Mỹ nâng lãi suất ngày càng lớn. Nhưng kế hoạch cắt giảm nguồn cung từ các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã hạn chế phần nào đà giảm. Yếu tố chính tác động lên thị trường trong phiên này là các phát biểu của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly đã lặp lại quan điểm rằng có thể sẽ cần thêm hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay để kiểm soát lạm phát, vốn vẫn còn quá cao. Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland Loretta Mester cũng phát đi tín hiệu ủng hộ tăng lãi suất tương tự.
Lãi suất cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ. Ông Dennis Kissler, quản lý cấp cao phụ trách hoạt động giao dịch của ngân hàng BOK Financial, cho biết giới giao dịch rất lo lắng về triển vọng lãi suất tiếp tục tăng, do điều này có thể "bóp nghẹt" nhu cầu rất nhanh.
Giá dầu đảo chiều tăng trong ba phiên giao dịch liền sau đó, nhờ đồng USD suy yếu và kỳ vọng nhu cầu tăng ở các nước đang phát triển và các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới cắt giảm nguồn cung.
Đáng chú ý, giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 13/7, lên mức cao nhất trong gần ba tháng sau khi số liệu lạm phát của Mỹ đã phát đi tín hiệu rằng lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể đã gần chạm mức đỉnh.
Bộ Lao động Mỹ ngày 12/7 công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 6/2023 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Theo Craig Erlam, nhà phân tích thị trường tại OANDA, giá dầu đã tăng hơn 11% trong hai tuần qua, chủ yếu là do các nhà sản xuất hàng đầu Saudi Arabia và Nga cắt giảm nguồn cung.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023, với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng nhiên liệu.
Khép lại phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/7, giá dầu Brent Biển Bắc để mất 1,49 USD (tương đương 1,8%), còn 79,87 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 1,47 USD (tương đương 1,9%) xuống 75,42 USD/thùng.
Chỉ số đồng USD tăng sau khi chạm mức thấp nhất của 15 tháng trong phiên. Đồng USD mạnh lên làm giảm nhu cầu dầu, vì khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ những đồng tiền khác.
Tuy nhiên, ông Rob Haworth, chiến lược gia về đầu tư tại U.S. Bank Wealth Management, cho biết sang tuần tới, đà tăng của giá dầu có thể tiếp tục khi lạm phát giảm, kế hoạch bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ được triển khai, trong khi việc cắt giảm và gián đoạn nguồn cung có thể hỗ trợ thị trường.
Giá dầu đã tăng gần 2% trong tuần này, sau khi gián đoạn nguồn cung ở Libya và Nigeria làm gia tăng lo ngại rằng thị trường sẽ thắt chặt hơn trong những tháng tới.
Một số mỏ dầu ở Libya đã bị đóng cửa vào ngày 13/7 vì cuộc biểu tình của một bộ lạc địa phương. Trong khi đó, tập đoàn năng lượng Shell đã tạm dừng lấy dầu thô tại cảng Forcados của Nigeria do nghi ngờ nguy cơ rò rỉ.
Chuyên gia phân tích John Evans của PVM cho biết sự gián đoạn ở Libya ước tính làm giảm nguồn cung 370.000 thùng/ngày, trong khi tổn thất do những diễn biến ở Nigeria là 225.000 thùng/ngày.
Các chuyên gia phân tích của Commerzbank chia sẻ, xuất khẩu dầu của Nga cũng giảm đáng kể và nếu xu hướng này sẽ tiếp tục trong tuần tới, giá dầu còn lên cao hơn nữa, trong bối cảnh xuất khẩu dầu của Nga dự kiến sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8/2023.