Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tám giảm 2,7 USD, hay 2,2%, xuống 118,51 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Bảy giảm 3,62 USD, hay 3,04% và đóng phiên ở mức 115,31 USD/thùng.
Đợt tăng lãi suất mạnh nhất của Fed kể từ năm 1994 này cũng khiến đồng USD mạnh lên, với chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2002.
Đồng USD mạnh hơn sẽ khiến dầu, vốn là loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó làm giảm nhu cầu.
Trong khi đó, theo số liệu từ Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 100.000 thùng/ngày trong tuần trước lên 12 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Số liệu cũng cho thấy lượng dầu thô và các sản phẩm chưng cất của Mỹ cũng tăng lên trong tuần trước.
Nhu cầu dầu còn đối mặt với triển vọng ảm đạm khi đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nước này sẽ thực hiện một đợt phong tỏa mới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định giá dầu cao hơn và các dự báo kém lạc quan về kinh tế đang làm giảm triển vọng nhu cầu dầu.
Tuy nhiên, những lo ngại kéo dài về tình trạng nguồn cung thắt chặt đã giúp giá dầu neo gần mức 120 USD/thùng. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đang gặp khó khăn trong việc đạt được hạn ngạch sản lượng dầu thô hàng tháng. Tình hình còn xấu hơn khi tình hình bất ổn ở Libya đang làm giảm sản lượng dầu của nước này.
Chuyên gia Carsten Fritsch của ngân hàng Commerzbank có trụ sở ở Frankfurt (Đức), cho biết vì sản lượng của OPEC vẫn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu, điều này sẽ khiến nguồn cung trên thị trường dầu thâm hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay.