Giá dầu thế giới giảm 3 - 5% trong tuần qua

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/9, nhưng vẫn không thể giúp thị trường dầu ghi nhận một tuần tăng giá do đà giảm mạnh từ các phiên trước đó.

Chú thích ảnh
Một giếng dầu ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ngay từ đầu tuần này (phiên 23/9), giá dầu đã giảm mạnh. Ông Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại công ty dịch vụ tài chính BOK Financial, cho biết những con số kinh tế đáng thất vọng từ Trung Quốc, cùng với sự chậm lại bất ngờ trong hoạt động chế tạo của châu Âu đang khiến nhu cầu dầu thô ở mức thấp nhất trong năm nay.

Giá dầu phục hồi trong phiên giao dịch liền sau đó, chạm mức cao nhất trong ba tuần, sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích tiền tệ và xung đột tại Trung Đông leo thang. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong trung và dài hạn. Tổ chức này nhấn mạnh Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông là những quốc gia và khu vực dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu.

Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng quay lại đà giảm trong hai phiên giao dịch liên tiếp (25-26/9) sau khi tờ The Financial Times đưa tin Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ từ bỏ mục tiêu giá 100 USD/thùng để chuẩn bị tăng sản lượng cùng với các thành viên khác của OPEC vào tháng 12/2024.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/9, giá dầu đảo chiều tăng. Hiện các nhà đầu tư đang cân nhắc về những dự báo liên quan đến nguồn cung toàn cầu sau gói kích thích kinh tế mới từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc.

Chốt phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 38 xu, tương đương 0,53%, lên 71,89 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 51 xu Mỹ, tương đương 0,75%, lên 68,18 USD.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 3%, trong khi dầu WTI giảm khoảng 5%.

Các nhà phân tích tại Aegis Hedging cho biết, bất chấp gói kích thích mạnh mẽ của Trung Quốc, mối lo ngại về tình trạng dư cung từ kế hoạch tăng sản lượng trở lại của OPEC đã đẩy giá dầu đi xuống.
Hai nguồn tin của OPEC và các đồng minh, gọi là OPEC+, cho hay nhóm này sẽ tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày mỗi tháng bắt đầu từ tháng 12 tới.

OPEC+ đã và đang cắt giảm sản lượng dầu để hỗ trợ giá. Tuy nhiên, giá dầu đã giảm gần 6% từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh nguồn cung từ các nhà sản xuất khác, đặc biệt là Mỹ, tăng lên, cũng như tăng trưởng nhu cầu yếu ở Trung Quốc. Nhà phân tích Ole Hansen tại Saxo Bank cho biết, khả năng nguồn cung bổ sung sắp tới từ Libya và Saudi Arabia là nguyên nhân chính khiến giá dầu sụt giảm thời gian gần đây.

Saudi Arabia đã nhiều lần phủ nhận việc nhắm tới một mức giá dầu nhất định và các nguồn tin của OPEC+ nói với Reuters rằng kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 12/2024 không thể hiện bất kỳ thay đổi lớn nào so với chính sách hiện tại.

Tại Mỹ, một số nhà khai thác dầu khí bắt đầu nối lại hoạt động ở Vịnh Mexico sau khi bão Helene đổ bộ vào bang Florida vào tối 26/9. Trong khi đó, sức tàn phá của cơn bão, được coi là mạnh thứ bảy đổ bộ vào Florida, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu ở bang này, nơi tiêu thụ xăng lớn thứ ba ở Mỹ.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)
Giá dầu thế giới giảm 3% trước triển vọng nguồn cung dồi dào
Giá dầu thế giới giảm 3% trước triển vọng nguồn cung dồi dào

Giá dầu thế giới giảm hơn 3% trong phiên ngày 26/9 sau khi tờ The Financial Times đưa tin Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ từ bỏ mục tiêu giá 100 USD/thùng để chuẩn bị tăng sản lượng cùng với các thành viên Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, trong tháng 12/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN