Bên cạnh đó, xung đột leo thang tại Trung Đông cũng khiến thị trường lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu trong khu vực.
Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,19 USD (1,7%) lên 71,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 1,27 USD (1,7%) lên 75,17 USD/thùng, ghi dấu mức đóng cửa cao nhất của giá dầu Brent kể từ ngày 2/9.
Ông Claudio Galimberti, Giám đốc phân tích thị trường toàn cầu tại công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, nhận định thông báo về gói kích thích lớn nhất kể từ sau đại dịch COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc, cùng với sự gia tăng đột ngột của căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông là những nhân tố chi phối thị trường dầu mỏ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã công bố gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch COVID-19 nhằm kéo nền kinh tế ra khỏi tình trạng giảm phát và đạt mục tiêu tăng trưởng của chính phủ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn cần thêm nhiều biện pháp hỗ trợ hơn nữa để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong trung và dài hạn. Tổ chức này nhấn mạnh Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông là những quốc gia và khu vực dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu.
Tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ và sản xuất dầu lớn nhất thế giới, một số công ty năng lượng đã tạm ngừng sản xuất bất chấp những dự báo bão Helene có thể không đổ bộ vào hầu hết các khu vực sản xuất ở phía tây và trung tâm của Vịnh Mexico.
Phiên này, đà tăng của giá dầu đã bị hạn chế do thống kê cho thấy trong tháng Chín niềm tin của người tiêu dùng Mỹ ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất trong ba năm giữa những lo ngại về thị trường lao động gia tăng.