Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 93 xu Mỹ, tương đương 1,15%, xuống 79,76 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,37 USD, tương đương 1,8%, xuống 76,98 USD/thùng.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu dự trữ trong cách kho của Mỹ đã tăng 1,4 triệu thùng, so với ước tính giảm 2,2 triệu thùng. Đây là lần tăng đầu tiên sau 6 tuần giảm liên tiếp.
Ông Robert Yawger, Giám đốc phụ trách các hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho chi nhánh New York, cho biết mặc dù dự trữ dầu giảm 6 tuần liên tiếp là khá ấn tượng, những việc chuỗi giảm này bị phá vỡ sẽ gây áp lực nhỏ lên giá.
Dữ liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ (API) ngày 13/8 cho thấy dự trữ xăng và dầu diesel giảm nhiều hơn dự kiến, giảm 5,21 triệu thùng trong tuần trước.
Giá dầu Brent đã tăng hơn 3% trong phiên 12/8, đóng cửa ở mức 82,30 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất trong 7 tháng là 76,30 USD/thùng vào đầu tuần trước.
Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 12/8 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2025, viện dẫn tác động của nền kinh tế Trung Quốc suy yếu đối với tiêu thụ. Điều này diễn ra sau khi Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm dự báo nhu cầu năm 2024 với lý do tương tự.
Một loạt chỉ số ảm đạm gần đây đã làm giảm kỳ vọng về hiệu suất kinh tế tháng 7/2024 của Trung Quốc, làm gia tăng lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giá tiêu dùng của Mỹ tăng nhẹ trong tháng 7/2024 và mức tăng lạm phát chậm lại dưới 3% lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín tới. Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu.