Giá dầu thế giới ghi nhận mức tăng hàng tuần hơn 8%

Giá dầu thế giới tăng hơn 2% vào phiên 10/2 và đạt mức tăng hàng tuần hơn 8%, sau khi Nga công bố kế hoạch giảm sản lượng dầu vào tháng tới giữa bối cảnh phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu thô và nhiên liệu của nước này.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 3/2023 tăng 1,66 USD hay 2,1% lên 79,72 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4/2023 cũng tăng 1,89 USD - tương đương 2,2% lên 86,39 USD/thùng.

Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, mức giá trần do các chính phủ phương Tây áp đặt là "sự can thiệp vào quan hệ thị trường và tiếp tục chính sách năng lượng mang tính hủy diệt của những quốc gia này".

Ông Manish Raj, quản lý cấp cao của công ty khai thác và sản xuất năng lượng Velandera Energy Partners, nhận định việc Nga tự cắt giảm sản lượng không phải là vì nước này không có khả năng đưa sản phẩm của mình ra thị trường, mà là do mức giá chiết khấu mà các bên mua đang yêu cầu.

Theo ông, Nga rõ ràng có thể bán hết số thùng dầu mà họ sản xuất, nhưng nước này cảm thấy khó chịu vì những khoản chiết khấu quá lớn mà bên mua mong muốn. Bằng cách cắt giảm sản xuất, Nga muốn báo hiệu rằng họ thà từ bỏ sản lượng hơn là giảm giá.

Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, đồng thời cùng với Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) áp dụng trần giá đối với dầu và các sản phẩm dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga. Các chính phủ phương Tây phần lớn đã liên kết với nhau để trừng phạt Nga vì cuộc xung đột tại Ukraine gần một năm trước.

Các nguồn tin thân cận cho hay nhóm OPEC+, bao gồmTổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các thành viên ngoài khối cho biết họ không có kế hoạch hành động nào sau khi Nga cắt giảm sản lượng.

Bà Rebecca Babin, nhà giao dịch năng lượng cấp cao tại công ty quản lý đầu tư CIBC Private Wealth US, cho biết hầu hết các nhà phân tích đều đã tính trước khả năng sản lượng của Nga sẽ giảm từ 700.000 - 900.000 thùng mỗi ngày vào năm 2023.

Theo chuyên gia này, chìa khóa để dầu thô thoát ra khỏi phạm vi giao dịch hiện tại là nhu cầu của Trung Quốc phục hồi. Đây cũng là yếu tố chính thúc đẩy giá dầu tăng trong tuần qua.

Phiên đầu tuần 6/2, giá dầu thế giới tăng khi thị trường hướng sự chú ý vào nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc thay vì mối lo ngại về nguồn cung và sự giảm tốc tại các nền kinh tế lớn. Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol dự kiến Trung Quốc sẽ đóng góp một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay. Phiên này, giá dầu Brent giao tháng Tư tăng 1,05 USD (1,3%) lên 80,99 USD/thùng. Còn giá dầu WTI tăng 72 xu Mỹ (1%) lên 74,11 USD/thùng.

Đà tăng của giá dầu thế giới tiếp tục trpng phiên 7/2, khi nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc cùng với việc Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) xoa dịu những lo ngại của thị trường về việc tăng lãi suất. Giá dầu Brent tăng 2,7 USD (3,3%) lên 83,69 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 3,03 USD (4,1%) lên 77,14 USD/thùng.

Giá dầu thế giới tăng phiên thứ ba liên tiếp trong ngày 8/2, khi các nhà đầu tư cảm thấy thoải mái hơn với phát biểu gần đây của Chủ tịch Fed.

Phát biểu "dịu giọng" hơn của Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 7/2 đã giúp thúc đẩy các tài sản rủi ro và gây sức ép lên đồng USD, khiến các mặt hàng định giá bằng đồng tiền này như dầu mỏ trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ loại tiền tệ khác. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,40 USD (1,7%) lên 85,09 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 1,33 USD (1,7%) lên 78,47 USD/thùng.

Sang phiên 9/2, giá dầu thế giới đứt chuỗi ba phiên tăng liên tiếp do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư sau giai đoạn tăng gần đây. Giá dầu WTI giao tháng 3/2023 giảm 41 xu Mỹ (0,52%) xuống 78,06 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4/2023 giảm 59 xu Mỹ, (0,69%) xuống 84,5 USD/thùng.

Với mức tăng hơn 2% trong phiên cuối tuần 10/2, giá dầu WTI kết thúc tuần với mức tăng 8,6%. Dầu Brent cũng ghi nhận mức tăng hàng tuần là 8,1%.

Trong một báo cáo ngắn mới đây, các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs đánh giá "sự trở lại của Trung Quốc là động lực bền bỉ nhất đối với triển vọng năng lượng thế giới".

Báo cáo của Goldman Sachs nhận định việc nhu cầu của Trung Quốc dự kiến tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm nay sẽ đẩy thị trường dầu mỏ trở lại tình trạng thâm hụt vào tháng Sáu tới, phơi bày tình trạng đầu tư dưới mức cơ cấu, đẩy giá lên và khiến OPEC đảo ngược quyết định cắt giảm sản lượng đưa ra hồi tháng 11/2022 vào nửa cuối năm 2023.

Tuy nhiên, Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu Brent giao ngay cho năm 2023 từ 98 USD/thùng xuống 92 USD/thùng. Ngân hàng cũng điều chỉnh ước tính cho năm 2024 từ 105 USD/thùng xuống 100 USD/thùng.

Đối với dầu WTI, Goldman Sachs cũng cắt giảm dự báo giá loại dầu này trong năm nay từ 92 USD/thùng xuống còn 86 USD/thùng và cho năm 2024 tưừ 99 USD/thùng xuống còn 94 USD/thùng.

H.Thủy/TTXVN (Tổng hợp)
Giá vàng thế giới đi lên trong hầu hết phiên giao dịch tuần qua
Giá vàng thế giới đi lên trong hầu hết phiên giao dịch tuần qua

Giá vàng thế giới hầu hết đi lên trong các phiên giao dịch của tuần qua, giữa bối cảnh các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn này giữa những lo ngại về suy thoái kinh tế, sau khi đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu đẩy giá vàng xuống mức thấp nhất trong một tháng. Tuy vậy, thị trường vẫn theo dõi các bình luận từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về triển vọng chính sách lãi suất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN