Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,22 USD, tương đương 2,6%, lên 86,85 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,23 USD, tương đương 2,8%, đóng cửa ở mức 82,67 USD/thùng.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã gặp khó khăn tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày trong tuần này để xác định liệu các điều kiện tài chính có đủ thắt chặt để kiểm soát lạm phát hay không, hay liệu có thể cần kiềm chế một nền kinh tế tiếp tục hoạt động tốt hơn kỳ vọng hay không. Cuối cùng, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở phạm vi 5,25% -5,50% trong ngày 1/11.
Các nhà đầu tư dầu mỏ đã theo sát các quyết định chính sách của Fed, lo ngại rằng việc tăng lãi suất mạnh mẽ có thể làm chậm nền kinh tế và làm giảm nhu cầu năng lượng.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 15 năm là 5,25% tại cuộc họp mới nhất hôm 2/11, tháng thứ hai liên tiếp lãi suất “đứng yên” sau 14 lần tăng liên tiếp. Ngân hàng này cũng nhấn mạnh việc chưa xem xét cắt giảm lãi suất sớm.
Craig Erlam, nhà phân tích tại OANDA, nhận định giống như các ngân hàng khác, BoE trong thời điểm này dường như đã hoàn thành chu kỳ thắt chặt lãi suất. Hiện câu hỏi đặt ra là ngân hàng này sẽ duy trì lãi suất ở mức “đỉnh” trong bao lâu.
Hãng tin Reuters ngày 2/11 dẫn lời các nhà phân tích cho biết nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia dự kiến sẽ xác nhận lại việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12.
Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi những diễn biến ở Trung Đông, nơi khiến thị trường dầu mỏ đứng trước trạng thái bấp bênh nếu cuộc cung đột lan rộng hơn có thể làm gián đoạn nguồn cung quanh khu vực này.