Chiều phiên này tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu WTI giao kỳ hạn giảm 13 xu Mỹ (0,3%), xuống 47,49 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng hạ 15 xu Mỹ (0,3%), xuống 50,61 USD/thùng.
Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường tại OANDA, cho hay giá dầu thô chịu tác động tiêu cực bởi báo cáo của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của nề kinh tế số 1 thế giới tiếp tục tăng cao. Theo API, trong tuần kết thúc ngày 11/12, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng thêm 2 triệu thùng, lên 495 triệu thùng. Kết quả này trái ngược với dự báo của các chuyên gia phân tích là giảm 1,9 triệu thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo, việc các nước triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 rộng rãi trong tháng này sẽ không nhanh chóng giúp đảo ngược xu hướng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu. IEA đã điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm nay là 50.000 thùng/ngày và trong năm tới là 170.000 thùng/ngày, do cho rằng lượng sử dụng nhiên liệu cho máy bay giảm mạnh khi số người đi lại bằng đường hàng không giảm.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai vắc-xin ngừa COVID-19 vẫn tiếp tục sau khi vắc-xin của Moderna Inc được cấp phép theo quy định của Mỹ trong tuần này. Trước đó, ngày 15/12, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech, trong khi nhiều nước trên thế giới cũng bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân. Điều này mở ra hy vọng rằng các nền kinh tế trên thế giới sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường.
Các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ cũng báo cáo bước tiến đáng kể ngày 15/12 sau hai cuộc họp của các đảng viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tháng về việc gói cứu trợ mới liên quan đến đại dịch COVID-19 và hoàn thành dự luật cứu trợ để ngăn chặn việc Chính phủ phải đóng cửa.