Điểm nhấn của tuần là phiên giao dịch cuối tuần (ngày 10/1), khi giá dầu tăng gần 4%, đạt mức cao nhất trong ba tháng qua, do lo ngại về gián đoạn nguồn cung từ Nga sau khi Mỹ áp đặt gói trừng phạt nghiêm ngặt đối với ngành dầu mỏ của nước này.
Ngày 10/1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói trừng phạt sâu rộng nhằm vào toàn bộ chuỗi cung ứng dầu mỏ của Nga, bao gồm các nhà sản xuất, công ty trung gian, vận tải và cảng biển. Đây được xem là nỗ lực lớn nhất của Mỹ nhằm làm gián đoạn nguồn thu từ dầu mỏ của Moskva, vốn đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga.
Phản ứng trước thông tin này, giá dầu Brent tăng mạnh 3,7%, đạt 79,76 USD/thùng. Tương tự, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 3,6%, chốt phiên ở mức 76,57 USD/thùng. Trong phiên cuối tuần này, giá hai loại dầu chủ chốt có lúc tăng hơn 4%. Các nguồn tin từ Nga và Ấn Độ cho rằng lệnh trừng phạt sẽ gây ra sự gián đoạn lớn trong xuất khẩu dầu Nga tới các thị trường trọng điểm như Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó, các quốc gia này đang nỗ lực tìm kiếm những nguồn cung thay thế để đảm bảo nhu cầu năng lượng.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị, giá dầu còn được hỗ trợ bởi thời tiết lạnh bất thường tại Mỹ và châu Âu. Các khu vực từ đông Texas đến tây Virginia đã ghi nhận tình trạng băng giá nghiêm trọng, làm gia tăng nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm. Giá dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh thấp, một loại nhiên liệu sưởi phổ biến tại Mỹ, tăng 5,1%, lên 105,07 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 7/2024.
Các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan ước tính đối với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, nhiệt độ (tính theo độ F) cứ giảm xuống dưới mức trung bình 10 năm 1 độ, thì nhu cầu dầu sưởi và propan sẽ tăng thêm 113.000 thùng/ngày (bpd). Đây là lý do chính khiến giá dầu giữ vững xu hướng tăng.
Propane là một loại khí hydrocarbon dễ cháy được hóa lỏng thông qua áp suất và thường được sử dụng làm nhiên liệu trong sưởi ấm, nấu ăn.
Các chuyên gia này cũng cho biết điều kiện mùa Đông khắc nghiệt có thể dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung dầu, do nhiệt độ cực thấp có thể gây ra tình trạng đóng băng tạm thời và cắt giảm sản lượng.
Trước khi tăng vọt vào ngày cuối tuần, giá dầu đã trải qua một tuần đầy biến động. Trong các phiên đầu tuần, giá dầu Brent dao động quanh ngưỡng 76 USD/thùng, trong khi WTI ở mức khoảng 73 USD/thùng. Ngày 6/1, giá dầu giảm nhẹ do các tín hiệu kinh tế yếu từ Mỹ và Đức, làm lu mờ triển vọng nhu cầu. Tuy nhiên, kỳ vọng về biện pháp kích thích kinh tế từ Trung Quốc và lo ngại nguồn cung hạn chế từ Nga đã giúp giá dầu hồi phục trong phiên 7/1.
Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế vào ngày 8/1 khi đồng USD mạnh lên và báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho xăng và dầu diesel tăng đáng kể. Tồn kho xăng tăng 6,3 triệu thùng, vượt xa dự báo 1,5 triệu thùng, trong khi tồn kho dầu thô giảm nhẹ, chỉ 959.000 thùng.
Sự gia tăng giá dầu trong phiên cuối tuần phản ánh lo ngại ngày càng lớn về gián đoạn nguồn cung toàn cầu, đặc biệt khi Nga là một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn, với nhiều yếu tố bất ổn từ thời tiết mùa Đông, các lệnh trừng phạt và những động thái chính sách của Mỹ đối với Nga.
Dù vậy, những tín hiệu kinh tế yếu từ các cường quốc như Mỹ và Đức có thể làm giảm nhu cầu năng lượng trong dài hạn. Đồng thời, sản lượng tăng từ các quốc gia sản xuất dầu không thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng thị trường năng lượng toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung sẽ vượt nhu cầu dầu mỏ thế giới vào năm 2025, ngay cả khi OPEC và các nước liên minh, còn gọi là OPEC+, duy trì việc cắt giảm sản lượng. Tình trạng dư thừa nguồn cung này, kết hợp với căng thẳng thương mại tiềm ẩn và sự không chắc chắn về nhu cầu của Trung Quốc, có thể gây áp lực giảm giá dầu.
Tuy nhiên, các sự kiện địa chính trị và sự gián đoạn bất ngờ luôn có khả năng đẩy thị trường theo những hướng không lường trước được. Sự phụ thuộc của thị trường dầu mỏ vào sự ổn định địa chính trị và tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia tiêu thụ chính khiến nó đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc.
Giám đốc điều hành hãng kinh doanh năng lượng Vitol lớn nhất thế giới, ông Russell Hardy, nhận định rằng nhu cầu dầu toàn cầu có thể đạt đỉnh trong vòng 10 năm tới, giữa lúc tiêu thụ ngày càng tăng ở các nước đang phát triển bù đắp cho sự sụt giảm ở các nền kinh tế tiên tiến.
IEA gần đây dự báo nhu cầu thế giới về dầu, than và khí đốt sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng xe điện và năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng. IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng khoảng 900.000 thùng/ngày trong năm 2024 và gần 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, đánh dấu sự suy giảm mạnh so với mức tăng 2 triệu thùng/ngày được ghi nhận trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.