Vào lúc 8 giờ 48 phút, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 98 xu (1,1%) xuống 84,93 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 77 xu (1%) xuống 79,49 USD/thùng, giữa bối cảnh sự mạnh lên của đồng bạc xanh khiến các hàng hóa định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 1/1 nhận định, kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều trải qua giai đoạn suy yếu.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn tăng hơn 2% trong phiên 30/12 với giá dầu Brent và WTI đóng cửa năm 2022 tăng lần lượt 10,5% và 6,7%.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ ngày 1/2 cho các quốc gia tuân thủ giới hạn chính sách giá trần trong 5 tháng.
Dầu thô của Nga đã được chuyển hướng từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc trong khi “xứ bạch dương” cũng có kế hoạch tăng xuất khẩu dầu diesel từ cảng Primorsk lên 1,81 triệu tấn trong tháng Một. Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm dầu tháng Một từ cảng Tuapse dự kiến sẽ giảm xuống 1,333 triệu tấn.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy giá dầu Brent dự kiến sẽ ở mức trung bình 89,37 USD/thùng trong năm 2023 trong khi mức trung bình đối với dầu WTI là 84,84 USD/thùng do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, hoạt động tại một số thành phố lớn đang trở lại bình thường, giúp củng cố triển vọng thúc đẩy nền kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.