Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn giảm 65 xu Mỹ, hay 1,2%, xuống 52,48 USD/thùng vào lúc 14 giờ 40 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi giảm 18 xu Mỹ trong phiên trước.
Trong khi đó, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 58 xu Mỹ, hay 1,03%, xuống 55,52 USD/thùng, sau khi tăng 2 xu Mỹ trong phiên trước.
Nhà phân tích về thị trường tại OANDA, Jeffrey Halley, cả hai loại dầu cùng giảm phiên này do các nhà đầu tư có tâm lý thận trọng hơn và có thể chứng kiến sự điều chỉnh sâu hơn nếu số liệu chính thức được công bố tối 22/1 cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng.
Trước đó, số liệu từ ngành dầu khí ngày 20/1 cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 2,6 triệu thùng ngoài dự kiến, trong khi các nhà phân tích dự báo giảm 1,2 triệu thùng.
Sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc đã tạo đà tăng của thị trường vào cuối năm ngoái, trong khi nhu cầu tại Mỹ và châu Âu thấp hơn, nhưng nguồn hỗ trợ này đang yếu đi khi làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 đã khiến các biện pháp hạn chế được thực hiện.
Thượng Hải đã công bố ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong hai tháng vào ngày 21/1, và Bắc Kinh đang kêu gọi người dân không di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, khi hàng chục triệu người lao động ở các thành phố trở về quê hương.
Các nhà phân tích tại Fitch Ratings nhận định nhu cầu dầu toàn cầu có thể giảm nhẹ trong quý I/2021, khi nhiều khu vực, trong đó có nhiều nước châu Âu, đã tái thực hiện các hạn chế đi lại. Các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ chưa có tác động tích cực đối với sự phục hồi nhu cầu trong vài tháng tới, cho đến khi đại bộ phận dân số được tiêm.