Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 33 xu Mỹ (tương đương 0,5%) lên 69,79 USD/thùng vào lúc 13 giờ 44 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 30 xu Mỹ (0,5%) lên 66,57 USD/thùng.
Ông Chiyoki Chen, nhà phân tích trưởng của công ty môi giới đầu tư Sunward Trading cho biết, yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của “vàng đen” là tâm lý ngày một lạc quan của thị trường về sự phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu xăng và các nhiên liệu khác ở Mỹ và châu Âu, khi các nền kinh tế này nới lỏng những hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19.
Nền kinh tế Anh đã mở cửa trở lại vào ngày 17/5 sau đợt phong tỏa kéo dài bốn tháng. Và với việc tăng tốc tiêm chủng, Pháp và Tây Ban Nha cũng nới lỏng các hạn chế phòng dịch, trong khi Bồ Đào Nha và Hà Lan đã cho phép mở lại các hoạt động du lịch.
Tại Mỹ, bang New York sẽ không còn yêu cầu người dân đã được tiêm chủng đầy đủ phải đeo khẩu trang ở hầu hết các không gian công cộng kể từ ngày 19/5 (theo giờ địa phương). Các khu vực khác trên đất nước cũng đang dần mở cửa lại nền kinh tế địa phương.
Ngược lại, ở châu Á, Singapore báo cáo số ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng cao nhất trong nhiều tháng. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng đột biến.
Tại Ấn Độ, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai do đại dịch, doanh số bán xăng và dầu diesel nội địa của các nhà máy lọc dầu nhà nước đã giảm 1/5 trong nửa đầu tháng 5/2021 so với một tháng trước đó. Lí do là vì những đợt đóng cửa phòng dịch đã ảnh hưởng đến các hoạt động công nghiệp và tiêu dùng tại nước này.
Trong bối cảnh như trên, chuyên gia Chiyoki Chen nói rằng dù có những lo ngại về việc số ca mắc COVID-19 mới ở châu Á tăng mạnh, nhưng tình hình sẽ được giải quyết trong một thời gian ngắn khi các nước đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine. Ông Chen dự đoán rằng giá dầu Brent có thể hướng tới mức 75 USD/thùng vào cuối tháng này.