Giá dầu Brent tăng 42 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 86,48 USD/thùng vào lúc 7 giờ 22 phút (theo giờ Việt Nam). Trước đó trong phiên, giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 3/10/2018 là 86,71 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 62 xu Mỹ, hay 0,7% lên 84,44 USD/thùng, sau khi chạm mức 84,78 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 10/11/2021.
Giá dầu tiếp tục đà phục hồi của tuần trước, khi giá dầu Brent tăng 5,4% và giá dầu WTI tăng 6,3%.
Các nhà giao dịch cho rằng hoạt động mua vào mạnh mẽ, khi nguồn cung thiếu hụt và có những dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron sẽ không gây ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu như lo ngại, đã khiến giá một số loại dầu tăng lên mức cao trong nhiều năm, cho thấy đà phục hồi của giá dầu Brent kỳ hạn có thể được duy trì.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh đang từng bước nới lỏng các hạn chế sản lượng được thực hiện khi nhu cầu lao dốc trong năm 2020.
Tuy nhiên, nhiều nước sản xuất nhỏ hơn không thể tăng nguồn cung và các nhà sản xuất khác lo ngại về việc bơm quá nhiều dầu nếu nhu cầu lại sụt giảm do dịch.
Những lo ngại rằng căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung cũng hỗ trợ giá dầu.
Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018.
Những lo ngại về nguồn cung lấn át tác động từ khả năng Trung Quốc mở kho dự trữ dầu trong thời điểm Tết Nguyên đán, phối hợp Mỹ và các nước tiêu thụ khác nhằm hạ giá dầu.