Tuy vậy, mức tăng giá dầu châu Á bị hạn chế một phần vì những quan ngại cho rằng tình trạng phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 lan rộng có thể tác động bất lợi tới sự phục hồi về nhu cầu nhiên liệu.
Vào lúc 14 giờ 43 phút (giờ Việt Nam) tại thị trường châu Á, giá dầu Brent tăng 31 xu Mỹ lên 43,59 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 19 xu Mỹ lên 41 USD/thùng.
Giá dầu nhận được sự hỗ trợ của một thỏa thuận giữa các lãnh đạo EU về một quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro (860 tỷ USD) để hỗ trợ các nền kinh tế thành viên EU gặp khó khăn do dịch COVID-19, qua đó thúc đẩy triển vọng về nhu cầu nhiên liệu.
Thỏa thuận trên của các lãnh đạo EU cho phép Ủy ban châu Âu (EC) huy động hàng tỷ euro trên các thị trường vốn thay mặt 27 nước thành viên EU, một hành động chưa có tiền lệ trong lịch sử khoảng 7 thập niên của liên minh này.
Giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ số liệu đầy hứa hẹn về hoạt động nghiên cứu vắc-xin phòng COVID-19, làm dấy lên niềm tin rằng loại vắc-xin này sẽ sớm được điều chế thành công.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, một số rạp chiếu phim đã mở cửa hoạt động trở lại sau 6 tháng đóng cửa, một dấu hiệu khác cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Theo nhà phân tích Harry Tchilinguirian của BNP Paribas, trong giai đoạn hiện nay, thị trường dầu sẽ cần một chất xúc tác để “phá vỡ” biên độ giá hiện tại.