Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhờ theo dõi sát, nắm bắt tình hình cũng như làm việc của Sở Công Thương Hà Nội với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại, các chợ trên địa bàn thành phố về vấn đề chuẩn bị nguồn hàng của các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá trước Tết tốt nên đã không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
Ước tính giá trị hàng hóa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đạt gần 29,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với kế hoạch và tăng trung bình khoảng 7% so với Tết 2018.
Nguồn hàng dữ trự khá dồi dào, cung ứng cho thị trường trong dịp Tết tăng từ 5 - 50% so với Tết năm 2018. Bên cạnh đó, hàng hóa phục vụ Tết đã được quan tâm, cải tiến mẫu mã đa dạng, phong phú, nâng cao chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định, hợp lý. Các đơn vị đã chủ động dự trữ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết. Ước tổng giá trị hàng hóa các đơn vị đã thực hiện dự trữ để cung ứng cho thị trường Tết 2019 đạt khoảng 30,5 nghìn tỷ đồng, tăng trung bình khoảng 6,5% so với kế hoạch.
Trong đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn tăng cường công suất sản xuất, đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn dịp Tết. Lượng hàng cung ứng dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại… Ước tổng lượng hàng hóa các đơn vị sản xuất phục vụ Tết đạt gần 12,6 nghìn tỷ đồng, tăng trung bình khoảng 3% so với kế hoạch.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, lượng hàng hóa tại các điểm bán hàng đều được tăng cường 35 - 40% so với ngày thường để phục vụ nhân dân mua sắm Tết. Lượng khách đến mua sắm tại các điểm bán tăng khoảng 20 - 25% so với đầu tháng 1/2019.
Hàng hóa bày bán tại các điểm phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại. Lượng bán ra của các mặt hàng tăng so với ngày thường. Mức tăng bình quân như sau: nhóm gạo tăng 10 - 15%; nhóm thịt tăng 15 - 20%; nhóm trứng gia cầm tăng 10 - 12%, nhóm thủy hải sản tăng 18 - 10%; bánh, mứt kẹo tăng khoảng 50%; rượu, bia, nước giải khát tăng 60%...
Để đảm bảo phục vụ nhanh chóng nhu cầu người dân, các doanh nghiệp đã chủ động tăng cường thêm 25 - 30% quầy thanh toán, tăng cường bán hàng qua mạng, điện thoại và giao hàng tại nhà… Từ ngày 8/2 (tức ngày mồng Bốn Tết) đa số siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đã mở cửa trở lại, giá cả ổn định so với thời điểm trước Tết.
Qua theo dõi nắm bắt, lượng khách và sức mua của người dân tại hệ thống các cửa hàng tiện ích, siêu thị… tăng cao hơn so với Tết năm 2018 từ 10 - 15%. Ước tổng lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường của các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn trong dịp Tết đạt gần 15,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,5% so với kế hoạch.
Trong suốt thời gian trước, trong và sau Tết, việc đảm bảo nguồn hàng hóa, thực phẩm, an ninh trật tự… tại các chợ trên địa bàn được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô, giá bán không tăng nhiều so với cùng kỳ Tết 2018. Ước tổng giá trị hàng hóa được các chợ trên địa bàn thành phố cung ứng ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đạt trên 1.000 tỷ đồng.