Thị trường hàng hóa tháng 4 chưa khởi sắc

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Tổ điều hành thị trường trong nước, thị trường hàng hóa tháng 4 kém sôi động, lượng tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng và nguyên liệu phục vụ sản xuất... vẫn tương đối chậm.

 

Sức mua tiêu dùng trong nước yếu


Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức ngày 25/4, TS Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - CN&TM (Bộ Công Thương) cho biết: Trong 20 ngày đầu tháng 4/2013, sức mua tiêu dùng trong nước vẫn yếu do người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Điều này thể hiện ở chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng này tiếp tục giảm gần 1% so với tháng trước.


Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Hôm - Đức Viên.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2013 ước tính đạt 213,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 849,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,6%. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây là mức tăng rất thấp so với các năm trước nếu loại trừ yếu tố tăng giá.


Dự báo CPI tháng 5 sẽ tăng khoảng 0,12% Nếu như CPI tháng 4/2013 đã vượt qua mức âm tháng trước để tăng nhẹ 0,02% so với tháng 3/2013 thì Trung tâm Thông tin CN - TM dự báo CPI tháng 5/2013 có thể sẽ tăng khoảng 0,12%. Những yếu tố tích cực giúp hàng hóa ổn định hoặc giảm là cân đối cung - cầu hàng hóa vẫn đảm bảo, sức mua thấp; giá nhiều hàng hóa nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới đã giảm mạnh. Tuy nhiên, trong tháng tới, cần đề phòng các yếu tố bất lợi làm tăng giá hàng hóa như: bão lũ, dịch bệnh... có thể xảy ra; tỷ giá có những biến động tăng giảm...

Đại diện Trung tâm thông tin CN&TM cho hay: Mặc dù, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 tăng 0,02% so với tháng trước nhưng tăng chủ yếu do ảnh hưởng của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và giao thông. Trong khi đó, một số nhóm có tỷ trọng lớn như hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở vật liệu xây dựng giảm lần lượt 0,91% và 0,44%.


Theo các chuyên gia thương mại, sức cầu yếu còn liên quan đến ‘sức khỏe’ của doanh nghiệp. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong quý I/2013, cả nước có tới trên 15.200 doanh nghiệp giải thể, tăng 2.200 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến lượng hàng hóa tiêu thụ vẫn đạt ở mức thấp.


Đối với nhóm hàng hóa nguyên liệu, đơn cử như mặt hàng thép, mặc dù trong tháng 4/2013, sản xuất và tiêu thụ của ngành thép đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc hơn tháng trước, song vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng thép tồn kho vẫn ở mức cao với 330.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân khiến thị trường thép vẫn trì trệ là do thị trường bất động sản vẫn đóng băng, trong khi cung vượt cầu quá xa cùng với sức ép thép Trung Quốc giá rẻ vẫn nhập vào Việt Nam.

 

Giá thực phẩm giảm do lo ngại dịch bệnh


Theo nhận định của các chuyên gia thương mại, thị trường hàng hóa tháng 4 kém sôi động, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng và nguyên liệu phục vụ sản xuất... vẫn tương đối chậm. Mặc dù giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh hồi cuối tháng 3/2013 nhưng do sức mua yếu nên ít gây ảnh hưởng đến giá hàng hóa trên thị trường.


Đối với mặt hàng thực phẩm, do thời tiết thuận lợi nên các mặt hàng rau, củ quả đã khiến cho nguồn cung dồi dào. Một số loại rau vào cuối vụ nên giá các loại rau củ quả tăng nhẹ khoảng 10 - 15% so với tháng trước. Giá thực phẩm tươi sống cũng có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước từ 2,5 - 6% do thời tiết nắng nóng dần nhu cầu tiêu dùng giảm và lo ngại nguy cơ dịch bệnh tái phát.


Trong tháng 4/2013, trong khi giá thịt bò và thủy hải sản có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ thì giá thịt gia cầm các loại lại có xu hướng giảm khoảng 5.000 đồng/kg do những lo ngại về dịch cúm A (H5N1) tại các tỉnh sát biên giới Campuchia, dịch cúm A (H7N9) tại Trung Quốc và những thông tin về việc gà thải loại Trung Quốc vẫn tràn lậu vào Việt Nam. Hiện, giá thịt gà ta có giá từ 115.000 - 130.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg); thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg). Các chuyên gia thương mại của Bộ Công Thương dự báo, thời gian tới, giá thực phẩm sẽ tiếp tục ổn định.

 

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN