Tuy nhiên, thay vì tăng kịch trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn như tại các ngân hàng thương mại cổ phần khác thì nhóm "Big 4" này lại tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn dài.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) điều chỉnh lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng từ mức 5,6%/năm lên thành 6,4%/năm.
Lãi suất huy động các kỳ hạn 6 và 9 tháng nâng từ mức 4%/năm trước đó lên lần lượt là 4,7%/năm và 4,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng cũng tăng mạnh thêm 1%/năm lên thành 4,1%/năm và 4,4%/năm.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tăng mạnh lãi suất huy động thêm từ 0,8-1,3%/năm tại nhiều kỳ hạn.
Ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng gửi tiền tại quầy, Vietcombank tăng lãi suất huy động thêm 1%/năm lên dao động từ 4,1-4,4%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên tăng thêm từ 0,8-1%/năm lên mức 6,4%/năm.
Đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, Vietcombank cũng tăng mạnh lãi suất huy động thêm từ 1,2-1,3%/năm so với trước đó. Lãi suất tiền gửi trực tuyến tại Vietcombank kỳ hạn 1 tháng - 3 tháng tăng lên mức 4,6 - 4,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng cao nhất là 6,8%/năm.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất huy động các kỳ hạn dài từ 12 đến trên 36 tháng cũng tăng mạnh thêm 0,8%/năm lên mức 6,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng tại VietinBank tăng lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng lên thành 4,4%/năm.
Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng đã tăng khoảng 1%/năm so với trước, lên mức 4,1%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng tăng tương tự lên 4,4%/năm. Các kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng tăng 0,8%/năm lên cao nhất là 4,8%/năm; các kỳ hạn dài từ 12 đến 24 tháng tăng tương tự lên 6,4%/năm.
Trước đó, chiều 22/9, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm trước đây lên thành 0,5%/năm; có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm.
Ngay sau quyết định này, các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động mới. Nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)... đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi nhiều kỳ hạn từ 0,4-1%/năm so với trước, chủ yếu với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.
Trong lần điều chỉnh này, dù nhóm "Big 4" tăng mạnh lãi suất nhiều kỳ hạn thêm tới 0,8-1,3%/năm nhưng so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác, lãi suất huy động tại nhóm này vẫn thấp hơn đáng kể.
Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống đang là 8,8%/năm tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với khoản gửi kỳ hạn 13 tháng. Tiếp đó là 7,85%/năm tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 24 tháng...
Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán SSI cho rằng lãi suất huy động sẽ tăng thêm từ 1-1,5%/năm từ cuối năm nay và đầu năm tới.
Đồng quan điểm, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 1,5-2%/năm cho cả năm nay, trong khi từ đầu năm đến giờ, lãi suất huy động đã tăng 0,9-1,1%/năm.
Trước xu hướng lãi suất huy động liên tiếp được điều chỉnh tăng, Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất cho vay sẽ khó tránh được phải điều chỉnh tăng, thậm chí mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1-1,5% từ nay đến cuối năm 2022.