Sau khi giảm hơn 6% vào đầu tuần, giá dầu Brent đã tăng 1,43 USD (2,01%) lên đóng cửa ở mức 72,55 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 1,4 USD (2,08%) lên 68.61 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ xăng tại Mỹ đã bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm do nhu cầu gia tăng, trong khi dự trữ dầu thô cũng ghi nhận sự sụt giảm bất ngờ khi lượng nhập khẩu giảm.
Tuần trước, nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ Saudi Arabia đã giảm xuống 13.000 thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, so với mức 150.000 thùng/ngày trong tuần trước đó. Theo EIA, lượng dầu nhập khẩu từ Canada, Iraq, Colombia và Brazil cũng giảm trong tuần qua.
Nhà phân tích Matt Smith của công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích thị trường Kpler, nhận định lượng dự trữ xăng giảm là yếu tố hỗ trợ lớn nhất đối với thị trường.
Trong khi đó, hãng Reuters đưa tin Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, có thể hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu dự kiến vào tháng Mười Hai, do lo ngại nhu cầu yếu và nguồn cung tăng.
Ông Harry Tchilinguirian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty đầu tư và tư vấn tài chính Onyx Capital Group, lưu ý OPEC+ luôn khuyến nghị rằng việc dỡ bỏ chương trình cắt giảm nguồn cung tự nguyện sẽ phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Theo ông Tchilinguirian, việc OPEC+ xem xét lại thời điểm tăn sản lượng dầu không gây bất ngờ khi sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc khiến các tổ chức hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu.
OPEC+ đã cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu dầu toàn cầu. Quyết định hoãn tăng sản lượng có thể được đưa ra sớm nhất vào tuần tới. OPEC+ dự kiến sẽ họp vào ngày 1/12 để quyết định các bước đi tiếp theo.