Những tín hiệu trái phiều
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) nhận định, về kỹ thuật, VN-Index đang chịu áp lực bán lớn khi tiến sát về vùng 1.480 điểm trong phiên cuối tuần qua. Điểm tích cực là lực bán trong phiên không quá mạnh giúp các chỉ số không bị giảm sâu.
Các chỉ báo kỹ thuật đang phát đi những tín hiệu trái phiều. Nhiều khả năng, VN-Index có thể vận động tích lũy trong vùng 1.450-1.480 điểm trong một vài phiên để tạo vùng cân bằng trước khi xác định xu hướng rõ rệt hơn trong ngắn hạn.
"Nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt trong quý IV trong các phiên tích lũy của thị trường", BOS khuyến nghị.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), dù trồi sụt mạnh trong những phiên cuối tuần trước và đầu tuần này, VN-Index vẫn đóng cửa tuần với mức hồi phục tăng điểm khá tích cực.
Việc thanh khoản có sự sụt giảm đáng kể so với giai đoạn trước cho thấy, dòng tiền vẫn đang khá "dè dặt". Điều này cũng phần nào thể hiện ở sự phân hóa khi một số nhóm cổ phiếu ghi nhận mức hồi phục tốt hơn so với mặt bằng chung như nhóm dầu khí, bất động sản khu công nghiệp, sản xuất điện...
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cũng không nên bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh hiện tại. Nhưng, đây cũng chưa phải là thời điểm thuận lợi để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục bởi nguy cơ xu hướng giảm quay trở lại trong tuần sau vẫn là đáng kể.
"Chúng tôi cho rằng chiến lược phù hợp nhất tại thời điểm này chỉ nên là lướt sóng ngắn hạn với tỷ trọng vừa phải ở một số cổ phiếu xuất hiện nhịp hồi phục sau khi đã lao dốc mạnh trong những tuần trước", các chuyên gia từ VCBS nêu quan điểm.
Công ty cổ phần Chứng khoán (SHS) cho rằng, thanh khoản tuần qua suy giảm so với tuần trước đó cho thấy, lực cầu mua lên là chưa thực sự tốt nhưng cũng là điểm thường thấy trong tháng cuối cùng của năm.
Xu hướng giảm thanh khoản có thể sẽ tiếp tục trong tuần tới khi tới ngày ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 12/2021 và các quỹ ETF (quỹ đầu tư thụ động mô phỏng theo một chỉ số cụ thể) tiến hành cơ cấu lại danh mục.
Với việc lấy lại được hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm thì xu hướng tăng của thị trường đã được cải thiện và khả năng để hướng đến các mốc cao hơn trong thời gian tới là có thể diễn ra.
SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 13-17/12, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng từ 1.365-1.370 điểm và xa hơn là ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm.
SHS khuyến nghị nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và đã tham gia bắt đáy trong phiên đầu tuần 6/12 có thể canh những nhịp tăng điểm trong tuần tiếp theo hướng tới kháng cự tâm lý 1.500 điểm (nếu có) để chốt lời một phần.
Chiều ngược lại, nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ từ 1.400-1.425 điểm sẽ mở ra cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho nhà đầu tư.
Về diễn biến giao dịch tuần qua (từ 6 - 10/12), VN-Index tăng 20,22 điểm lên 1.463,54 điểm; HNX-Index tăng 1,48 điểm lên 450,75 điểm. Thanh khoản trong tuần qua suy giảm so với tuần trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 tuần với hơn 26.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 21,1% xuống 117.185 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giảm 16,7% xuống 4.029 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 19,6% xuống 16.477 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giảm 18,9% xuống 623 triệu cổ phiếu.
Gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng trưởng trong tuần qua. Cổ phiếu dầu khí và tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 2,3% giá trị vốn hóa, các mã tăng tiêu biểu như: BSR tăng 3,8%, OIL tăng 4,5%, PVS tăng 6,4%, PVD tăng 11,2%, PVB tăng 13%, PVC tăng 15,6%... Tại nhóm tiện ích cộng đồng, PPC tăng 1,5%, NT2 tăng 11,2%, POW tăng 19,9%.
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 2,1% giá trị vốn hóa. Nhóm dược phẩm và y tế tăng 1,8% vốn hóa. Nhóm trụ cột của thị trường là ngân hàng cũng hồi phục trong tuần qua với 1,7% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như: CTG tăng 1,7%, VCB tăng 2%, STB tăng 2,1%, ACB tăng 2,6%, BID tăng 6,2%...
Nhóm tài chính tăng 1,5% giá trị vốn hóa nhờ sự khởi sắc của các cổ phiếu chứng khoán như: MBS tăng 2,9%, VCI tăng 4%, SSI tăng 5%, SHS tăng 7,3%, VND tăng 8,2%... Nhóm hàng tiêu dùng và công nghệ thông tin tăng nhẹ 0,7% vốn hóa.
Ở chiều ngược lại, chỉ có ngành nguyên vật liệu là giảm nhẹ 0,1% do sự tiêu cực của các cổ phiếu thép như: HPG giảm 2,5%, HSG giảm 8%, NKG giảm 10,1%)...
Chứng khoán thế giới trước nỗi lo lạm phát
Cùng chung với xu hướng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, chứng khoán Mỹ đã kết thúc tuần với kỷ lục mới trong phiên 10/12, dù thông tin giá tiêu dùng Mỹ tăng đột biến trong tháng 11 đã củng cố nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh kế hoạch nâng lãi suất.
Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,9% và kết thúc ở mức 4.712,02 điểm, vượt qua kỷ lục ghi nhận hồi tháng trước. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng 0,6% lên 35.970,99 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 0,7% lên mức 15.630,6 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đi lên ngay cả khi báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng trước đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982 tới nay.
Theo giới quan sát, thị trường đã tiếp nhận thông tin trên một cách khá bình tĩnh, một phần vì nhà đầu tư đã dự báo về điều này từ trước.
Ông Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại công ty môi giới đầu tư National Securities cho biết miễn là mọi thứ diễn ra theo dự kiến, thị trường có đủ thời gian để "tiêu hóa" những thông tin bất lợi này.
Chuyên gia của National Securities còn lưu ý rằng các nhà đầu tư cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi độc lực của biến thể Omicron có vẻ thấp hơn so với các biến thể trước đó.
Dù vậy, nhà phân tích Edward Moya của công ty tài chính Oanda cảnh báo rằng tâm lý người tiêu dùng Mỹ vẫn có vẻ dễ bị tổn thương. Ông nhấn mạnh tình hình có thể sẽ khó khăn hơn nếu những đợt tăng giá lan rộng này kéo dài.
Số liệu CPI mới nhất được đưa ra sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell báo hiệu kế hoạch đẩy nhanh việc cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế được triển khai trong mùa dịch. Nhiều nhà phân tích dự báo ngân hàng trung ương này sẽ tăng lãi suất ít nhất hai lần vào năm 2022.
Nhìn chung, chứng khoán Mỹ đã có một tuần khá thành công khi có tới bốn phiên tăng và chỉ một phiên đi xuống.
Với mức tăng trong phiên 10/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones tính chung trên cả tuần tăng 4% và kết thúc chuỗi bốn tuần giảm liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 3,8% và 3,6% trong tuần này - mức tốt nhất kể từ tháng 2/2021 cho cả hai chỉ số.
Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho cuộc họp cuối cùng trong năm của Fed vào tuần tới. Thị trường đang muốn tìm hiểu xem ngân hàng trung ương này có kế hoạch hoàn tất chương trình mua trái phiếu nhanh như thế nào, cũng như tìm kiếm các dấu hiệu về thời điểm Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022.
Bà Mona Mahajan, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Edward Jones, cho biết cuộc họp của Fed có thể giúp nhà đầu tư có thêm thông tin rõ ràng hơn sau một loạt biến động trong những tuần gần đây.
Song giới phân tích thận trọng rằng vẫn có khả năng thị trường xảy ra nhiều biến động mới nếu Fed có quan điểm "diều hâu" hơn dự kiến, bao gồm việc giảm nhanh chương trình mua trái phiếu để dọn đường tăng lãi suất sớm hơn. Trước đó, các chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed đã giúp thị trường chứng khoán tăng hơn gấp đôi so với mức thấp kỷ lục hồi tháng 3/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại nước Mỹ.
Thị trường cũng có thể bị xáo trộn nếu Fed báo hiệu nỗi lo lớn hơn về tình trạng lạm phát, điều mà chính ông Powell cho hay không còn có thể coi là "mang tính nhất thời". Số liệu mới nhất công bố ngày 10/12 cho thấy giá tiêu dùng tháng 11 đã ghi nhận mức tăng hàng năm lớn nhất trong gần bốn thập niên, củng cố cơ sở cho Fed điều chỉnh lãi suất lên cao hơn.
Các nhà đầu tư cũng muốn tìm hiểu quan điểm của ngân hàng trung ương về tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với tăng trưởng kinh tế hoặc lạm phát.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán đồng loạt đi xuống chiều 10/12, khi giới đầu tư chờ đợi số liệu về tình hình lạm phát tại Mỹ. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo giảm 1% xuống 28.437,77 điểm khi đồng USD tăng lên 113,55 yen/USD so với mức 113,44 yen/USD tại New York trong phiên trước. Các nhà giao dịch cho biết phiên này chỉ số Nikkei đã trải qua toàn bộ phiên giao dịch trong vùng đỏ.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 0,18% xuống 3.666,35 điểm, còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 1,07% xuống 23.995,72 điểm.
Ngoài vấn đề lạm phát tại Mỹ, giới nhà đầu tư cũng lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc, sau khi cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ) ngày 9/12 cho biết hai công ty bất động sản lớn của Trung Quốc đã vỡ nợ số trái phiếu bằng ngoại tệ trị giá 1,6 tỷ USD.