Báo cáo PCI 2019 được VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khảo sát xây dựng trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, nếu so với con số 70% doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức vào năm 2006 thì tỷ lệ 53,6% năm 2019 cho thấy, đã có bước tiến lớn trong nỗ lực của chính quyền các địa phương. Tuy vậy, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng dường như vẫn còn không ít thách thức.
Tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại “tình trạng chạy án” là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án chỉ còn 21,6%, giảm đáng kể từ con số 31,6% năm 2017 và 28,8% năm 2018. Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “chi trả hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội “thắng thầu” chỉ còn là 41,2%, giảm so với tỷ lệ 48,4% của năm 2018 và mức 54,9% của năm 2017. Năm 2019, có 54,1% doanh nghiệp phản ánh việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ Nhà nước địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm so với con số 58,2% của năm 2018.
Theo VCCI, một số lĩnh vực cần có các chuyển động mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai sau khi giảm từ mức 32% của năm 2017 xuống còn 30,8% của năm 2018, thì lại gia tăng lên mức 36% của năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra sau khi đã giảm ấn tượng từ con số 51,9% của năm 2017 xuống còn 39,3% của năm 2018, thì kết quả năm 2019 vẫn xung quanh mức này (39,3%).
Tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả trên 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức năm 2019 là 7,5%, tăng nhẹ so với con số 7,1% của năm 2018. Đáng chú ý, báo cáo PCI năm 2019 đã cho thấy mức độ ưu ái của chính quyền địa phương với các doanh nghiệp lớn và thân hữu có dấu hiệu giảm so với các năm trước.
Theo nhận định của các doanh nghiệp trong khi VCCI thực hiện khảo sát, tính minh bạch đã có dấu hiệu được cải thiện, doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin so với các năm trước; khả năng tiếp cận các tài liệu quy hoạch đã tăng từ 2,38 điểm vào năm 2018 lên mức 2,50 điểm vào năm 2019, trên thang điểm 1 - 5 (1 là không thể tiếp cận, 5 tương đương dễ tiếp cận).
Cũng theo điều tra PCI 2019, hiện có 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải như: Tìm kiếm khách hàng với 63% số doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời đang gặp phải, tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn.
"Khó khăn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn trong năm 2020 và thời gian tới bởi những tác động tiêu cực do bùng phát dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương", ông Đậu Anh Tuấn nhận định.