Đặc biệt, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 mới đây, Thủ tướng tin tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 tiếp tục phát triển tích cực, đặt tiền đề quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trước mắt nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025. Đây cũng là cơ sở kỳ vọng các công ty chứng khoán phục hồi tăng trưởng.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), Việt Nam bước sang năm 2024 với môi trường vĩ mô tích cực hơn nhiều so với năm 2023. Chu kỳ kinh tế vẫn đang trong giai đoạn ban đầu của phục hồi, trong khi chu kỳ chứng khoán thường đi trước và vẫn có dư địa tăng trưởng hơn nữa trong trung hạn.
Tuy nhiên, thời gian đầu của chu kỳ hồi phục, nhiều yếu tố rủi ro vẫn còn hiện hữu và thị trường chứng khoán sẽ có sự biến động mạnh. Về mặt tích cực, sự biến động trong một thị trường tăng vẫn sẽ thu hút được dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Môi trường lãi suất thấp là yếu tố then chốt giúp dòng tiền cá nhân trong nước tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán và hỗ trợ kết quả kinh doanh của công ty chứng khoán.
Sau giai đoạn COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam có bước nhảy vọt về số lượng nhà đầu tư trong nước tham gia. Năm nay, môi trường lãi suất thấp kéo dài trong thời gian đủ dài sẽ thúc đẩy dòng tiền cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước thiếu các lựa chọn đầu tư hấp dẫn.
Đối với các công ty chứng khoán, nghiệp vụ môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu hoạt động và việc cải thiện các yếu tố nền tảng sẽ giúp kết quả kinh doanh tiếp tục mở rộng trong năm 2024.
Tuy môi trường cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán đã khiến cho phí môi giới giảm từ 0,2% (năm 2021) xuống còn khoảng 0,15% trong quý IV/2023, công ty chứng khoán vẫn mở rộng doanh thu hoạt động nhờ thanh khoản thị trường tăng mạnh. Do vậy, mức thanh khoản dự kiến năm nay sẽ giúp mở rộng doanh thu hoạt động môi giới và có thể bù đắp mức giảm từ phí môi giới hoặc phí hoa hồng.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các hoạt động tăng vốn cũng giúp công ty chứng khoán giảm chi phí vốn và cải thiện biên lãi ròng (NIM). Lợi nhuận trước thuế cũng tiếp tục được hưởng lợi từ việc giảm chi phí hoạt động của công ty chứng khoán trong khi môi trường lãi suất thấp có thể giúp các công ty giảm gánh nặng tài chính.
Các công ty chứng khoán đã đẩy mạnh hoạt động tăng vốn nhằm chuẩn bị cho nhu cầu của thị trường sắp tới. Ngoại trừ một số lượng nhỏ công ty chứng khoán tăng vốn để tái cấu trúc danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì việc tăng vốn sẽ mở rộng khả năng cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán và duy trì bảng cân đối kế toán lành mạnh, cũng như đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra.
Những công ty chứng khoán có khả năng tăng vốn sớm hơn sẽ có điều kiện để đẩy nhanh hoạt động cho vay ký quỹ, giành thêm thị phần và đạt kết quả khả quan hơn so với các công ty chứng khoán khác.
Các chuyên gia từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS) nhìn nhận: Ngành chứng khoán sẽ hưởng lợi từ thanh khoản gia tăng nhờ các biện pháp nâng hạng thị trường, hệ thống giao dịch mới KRX triển khai trong năm, cũng như đà giảm lãi suất.
Theo Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, nhóm cổ phiếu chứng khoán luôn được nhà đầu tư chú ý bởi phản ứng nhanh nhạy với thị trường. Lợi nhuận của các công ty chứng khoán được kỳ vọng đạt 38% trong năm 2024. VinaCapital cho rằng, yếu tố lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ giao dịch ký quỹ nhiều hơn.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định: Các công ty chứng khoán sẽ duy trì được tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm nay do thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư thu hút dòng tiền, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác (tiền gửi, bất động sản, trái phiếu, vàng) có lợi suất kém hấp dẫn hơn, hoặc tiềm ẩn rủi ro trong ngắn hạn.
Theo thống kê, tổng lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong quý IV/2023 ước đạt gần 5.700 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với số quý IV năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận quý IV/2023 lại giảm gần 19% so với quý trước đó. Đây là quý đầu tiên lợi nhuận ngành chứng khoán sụt giảm sau 3 quý đầu năm 2023 tăng trưởng.
Thực tế cho thấy, diễn biến không mấy tích cực của thị trường chứng khoán trong quý IV/2023 có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chứng khoán. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh sàn HOSE trung bình đạt 14.000 tỷ đồng/phiên trong quý cuối năm 2023, sụt giảm gần 30% so với quý liền trước.
Dù kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng, nhưng nhiều chuyên gia vẫn nhận định tích cực cho thị trường và các công ty chứng khoán năm nay. Thực tế cũng cho thấy, vào đầu năm nay, các chỉ số chứng khoán diễn biến đi lên cùng thanh khoản tăng cao.