Thị trường vàng chờ dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ
Giá vàng tại châu Á chỉ biến động nhẹ trong phiên chiều 9/5 khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu kinh tế của Mỹ, trong đó có số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, để có thêm manh mối về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất.
Vào lúc 15 giờ 31 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay chỉ tăng nhẹ 0,07% lên 2.310,36 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn giảm nhẹ 0,09% xuống 2.311,50 USD/ounce.
Dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào lúc 18 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, và chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan sẽ được công bố vào ngày 10/5. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến được công bố vào tuần tới.
Ông Ajay Kedia, Giám đốc Công ty Kedia Commodities ở Mumbai, cho biết dù thị trường kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng Chín, nhưng các nhà giao dịch vàng vẫn thận trọng. Theo ông, nếu số lạm phát của Mỹ gia tăng, giá vàng có thể giảm xuống 2.290 USD/ounce.
Theo Công cụ FedWatch của CME, hiện tại các nhà giao dịch đang dự đoán xác suất Fed hạ lãi suất vào tháng Chín là khoảng 66%. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ vàng.
Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, bà Susan Collins, mới đây cho rằng nền kinh tế Mỹ cần hạ nhiệt để đưa lạm phát trở về mức mục tiêu 2% của Fed.
Chuyên gia phân tích Luca Santos của ACY Securities nhận định triển vọng đối với vàng vẫn tương đối tích cực trong năm nay. Kim loại quý này còn có khả năng vượt qua mốc 2.500 USD/ounce, đặc biệt nếu điều kiện kinh tế vẫn bất ổn và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,9% lên 27,60 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 0,8% lên 979,65 USD/ounce.
Còn tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ chiều nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 87,2- 89,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trung Quốc trở thành điểm sáng của chứng khoán châu Á
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên chiều 9/5, trong đó số liệu thương mại tích cực đã giúp chứng khoán Trung Quốc khởi sắc hơn hẳn so với các thị trường trong khu vực.
Khép lại phiên này, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 1,2% lên 18.527,39 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải ghi thêm 0,8% lên 3.154,32 điểm.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy kim ngạch nhập khẩu của nước này trong tháng Tư tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo tăng 4,8%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu lấy lại đà tăng như dự đoán.
Diễn biến này đã giúp chứng khoán Trung Quốc tiếp tục đà tăng.
Bên cạnh đó, tin tức cho hay Hàng Châu, thành phố lớn phía Đông của Trung Quốc, sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế mua nhà trong lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, vốn là một trụ cột quan trọng của nhu cầu nội địa, cũng thúc đẩy tâm lý thị trường.
Trong khi đó, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,3% xuống 38.073,98 điểm. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Australia và Hàn Quốc.
Phiên này, đồng yen của Nhật Bản ổn định ở mức 155,60 yen đổi 1 USD sau khi suy yếu trong ba phiên trước đó. Đồng yen đã tăng 3% trong tuần trước trước những đồn đoán rằng giới chức Nhật Bản có thể can thiệp lần hai để chặn đà suy yếu của đồng tiền này.
Còn tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index giảm 1,82 điểm, hay 0,15%, xuống 1.248,64 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,07 điểm, hay 0,03%, lên 234,58 điểm.
Giá dầu tăng trước các chỉ báo tích cực về nhu cầu
Giá dầu tăng tại châu Á trong phiên chiều 9/5, khi lượng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm trong bối cảnh hoạt động lọc dầu gia tăng và lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng đã củng cố các dự đoán về nhu cầu gia tăng từ hai quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới này.
Vào lúc 13 giờ 50 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng Bảy tăng 27 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 83,85 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Sáu tăng 34 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên 79,33 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích thị trường độc lập Tina Teng cho biết lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự đoán đã hỗ trợ thị trường dầu. Bên cạnh đó, số liệu cán cân thương mại của Trung Quốc được cải thiện đã tiếp thêm lưc đẩy cho giá dầu.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này đã giảm 1,4 triệu thùng trong tuần trước xuống còn 459,5 triệu thùng, vượt dự đoán giảm 1,1 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trước đó. Lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm do hoạt động lọc dầu tăng thêm 307.000 thùng/ngày trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 9/5, lượng dầu thô nhập khẩu trong tháng Tư của nước này là 44,72 triệu tấn, tương đương khoảng 10,88 triệu thùng/ngày, tăng 5,45% so với mức nhập khẩu tương đối thấp là 10,4 triệu thùng/ngày trong cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, kỳ vọng về lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột Israel-Hamas ở Gaza đã hạn chế đà tăng của giá dầu. Mỹ mới đây cho biết các cuộc đàm phán có thể thu hẹp khoảng cách giữa Israel và Hamas. Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, nhận định giá dầu khó quay trở lại mức cao hơn 90 USD/thùng của tháng Tư, thời điểm căng thẳng địa chính trị lên đỉnh điểm.