Lực mua chủ yếu đến từ thị trường năng lượng và nông sản, với nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức tăng mạnh mẽ. Đây cũng là 2 nhóm mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV). Điều này đã kéo dòng tiền đầu tư đến thị trường gia tăng trở lại sau chuỗi suy yếu trước đó. Kết thúc hôm qua, giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 36%, đạt trên 3.400 tỷ đồng.
Sắc xanh quay lại thị trường dầu
Tất cả các mặt hàng nhóm năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Giá dầu phục hồi trong phiên giao dịch đầu tuần khi mà những gián đoạn của đường ống dẫn dầu Keystone giữa Mỹ và Canada làm gia tăng lo ngại về nguồn cung. Kết thúc phiên 12/12, giá dầu thô WTI tăng 3,03% lên 73,17 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng khiêm tốn hơn, với 2,48% lên 77,99 USD/thùng.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế trên toàn cầu đã khiến cho giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng một năm, bất chấp các tin tức tích cực về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Vì thế, những lo ngại về nguồn cung một lần nữa là chất xúc tác thu hút lực mua quay lại với thị trường dầu.
Nhiều sự cố khác trong các năm gần đây, cộng với 14.000 thùng dầu đã bị rò rỉ vào tuần trước, đã khiến cho tổng khối lượng dầu bị rò rỉ ở đường ống Keystone lên tới 26.000 thùng, và mức cao nhất trong các sự cố tràn dầu của Mỹ kể từ năm 2010.
Cho đến nay, TC Energy, công ty quản lý đường ống, dù đang tiếp tục nỗ lực phục hồi, nhưng vẫn chưa thông báo về kế hoạch khởi động lại đường ống dẫn dầu lên tới 600.000 thùng/ngày này. Sự cố này dự kiến sẽ làm giảm nguồn cung tại kho dự trữ Cushing, và cũng điểm phân phối dầu thô kỳ hạn của Mỹ.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng hồi phục nhờ lực mua với tâm lý “bắt đáy” khi giá đã ở mức thấp nhất trong vòng một năm, cùng với những lo ngại về việc Nga đe dọa cắt giảm sản lượng dầu. Các lệnh trừng phạt của Châu Âu với Nga đã có hiệu lực từ đầu tháng 12 này, nhưng Nga đã nhiều lần lên tiếng về việc sẽ cắt giảm sản lượng và từ chối bán dầu cho các quốc gia nào áp dụng mức giá trần.
Trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư sẽ cần chú ý tới hai tin tức quan trọng được công bố là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ và Báo cáo tháng 12 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Nếu như chỉ số CPI được công bố mang tính then chốt đối với quyết định lãi suất trong cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thì báo cáo của OPEC sẽ tiết lộ chi tiết về bức tranh cung cầu mới nhất của thị trường dầu.
Cà phê Arabica bật tăng gần 6%
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/12, sắc đỏ bao trùm trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp trừ 2 mặt hàng cà phê. Đáng chú ý nhất là sự bật tăng mạnh của Arabica với mức tăng gần 6%.
Trước khi bật tăng gần 6%, mở đầu phiên giao dịch, giá Arabica vẫn chịu áp lực trước những triển vọng tích cực hơn về nguồn cung Arabica trong niên vụ tới của Brazil thông qua dự đoán của Hedgepoint trước đó. Cùng với đó, số liệu xuất khẩu tích cực trong tháng 11 của Brazil với 3,4 triệu bao cà phê xanh, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước cũng góp phần khiến giá nối tiếp đà giảm từ cuối tuần trước. Tuy nhiên, sự suy yếu này không kéo dài đến cuối phiên, giá nhận hỗ trợ và bật tăng trước thông tin Conab, Cơ quan cung ứng mùa vụ của Brazil cắt giảm ước tính sản lượng cà phê của quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới do thời tiết xấu. Đây chính là nguyên nhân khiến giá cà phê đảo chiều tăng mạnh trong phiên hôm qua.
Cùng với Arabica, Robusta có có phiên tăng mạnh 1,01%. Những lo ngại về nguồn cung cà phê tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới tiếp tục là nhân tố hỗ trợ giá. Cùng với đó, việc tỷ giá USD/VND đang ở mức thấp, cũng hạn chế lực bán từ phía nông dân và các nhà xuất khẩu của quốc gia này vì họ sẽ thu được ít nội tệ hơn. Điều này cũng góp phần kéo giá Robusta đi lên sau phiên giảm mạnh vào cuối tuần trước.
Ở chiều ngược lại, giá bông trở lại đà giảm sau phiên điều chỉnh tăng nhẹ vào cuối tuần trước, đóng cửa giá bông giảm gần 2%. Nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn chưa có sự cải thiện rõ ràng, kết hợp với đồng Dollar Mỹ tăng nhẹ trong phiên hôm qua đã góp phần khiến giá suy yếu. Bên cạnh đó, sản lượng tăng mạnh tại Brazil, khiến nguồn cung toàn cầu được nới lỏng, trong khi nhu cầu vẫn có diễn biến ảm đạm, đặc biệt là tại các nước nhập khẩu chính, cũng góp phần khiến giá giảm trong phiên hôm qua.
Theo sau bông, 2 mặt hàng đường cũng đóng cửa cho trong sự suy yếu. Số liệu tích cực về nguồn cung đường trong nửa cuối tháng 11 đã kéo giá đi xuống, kết thúc phiên, đường 11 giảm 1,12% và đường trắng giảm 1,37%. Theo đó, Liên minh Công nghiệp mía đường Brazil (Unica) dự báo sản lượng đường trong giai đoạn của Trung – Nam Brazil đạt 1,03 triệu tấn, tăng vọt 532,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giá dầu cọ giảm mạnh hơn 6%, mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 tháng, bất chấp xuất khẩu trong 10 ngày đầu tháng 12 của Malaysia cao hơn so với cùng kỳ tháng trước. Ở thời điểm hiện tại, sự suy yếu của giá các loại dầu thực vật khác như dầu đậu tương trên Sở Chicago và trên Sở Đại Liên, cũng như áp lực gián tiếp từ diễn biến của giá dầu thô trong những phiên vừa qua đang là những yếu tố chính lý giải cho diễn biến của giá dầu cọ.
Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là quốc gia sản xuất Robusta lớn nhất thế giới
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ ổn định, dao động trong khoảng 40.000 – 40.800 đồng/kg. Theo Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) Vanusia Nogueira, thế giới cần nhiều cà phê arabica và robusta hơn, nhưng sự gia tăng về mặt sản lượng và nhu cầu đối với cà phê robusta sẽ cao hơn. Hiện, các nhà sản xuất cà phê arabica truyền thống đang có xu hướng chuyển sang trồng cà phê robusta trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, trong khi các nhà rang xay cũng tìm cách gia tăng cà phê robusta rẻ hơn trong các sản phẩm. Đây sẽ là cơ hội cho ngành cà phê nước ta với vai trò là quốc gia sản xuất Robusta lớn nhất thế giới.
Tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022, bà Vanusia Nogueira cũng cho rằng vị thế thống trị toàn cầu về xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam bị ảnh hưởng khi Brazil tăng sản lượng cà phê Robusta. Lý do là sản lượng Robusta tăng thêm của Brazil là để cung cấp nhu cầu tiêu thụ nội địa của ngành công nghiệp cà phê hòa tan quốc gia Nam Mỹ này.