Đà tăng của giá dầu - nỗi lo của thị trường chứng khoán

Bên cạnh triển vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng địa chính trị liên quan đến Ukraine, thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay còn đối diện với một nỗi lo khác là đà tăng của giá dầu.

Chú thích ảnh
Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 11/3/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Giá dầu ngọt nhẹ New York của Mỹ đứng ở mức khoảng 91 USD/thùng sau khi tăng khoảng 40% kể từ ngày 1/12 và đầu tuần này chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá dầu Brent cũng đã tăng lên gần mức cao nhất trong 7 năm.

Giá dầu tăng nhanh có thể là một diễn biến gây khó khăn cho các thị trường, khi “phủ mây đen” lên triển vọng kinh tế với việc làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Dầu thô cao hơn cũng đe dọa đẩy nhanh lạm phát vốn đã tăng cao, cộng thêm mối lo ngại Fed sẽ cần phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm giá tiêu dùng.

Peter Cardillo, nhà kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính Spartan Capital Securities, có trụ sở tại Mỹ, cho rằng thị trường chứng khoán sẽ gặp “rắc rối” nếu giá dầu tăng lên 125 USD/thùng và duy trì ở mức này trong một thời gian khiến lạm phát cao. Nếu vậy, Fed sẽ phản ứng quyết liệt hơn và đây chắc chắn không phải là một kịch bản dễ chịu cho thị trường chứng khoán. 

Căng thẳng gia tăng giữa Nga, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine gần đây đã giúp thúc đẩy đà tăng cho giá dầu, vốn nhận được hỗ trợ từ đà phục hồi nhu cầu sau đại dịch COVID-19.

Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, có trụ sở tại London nhận định giá dầu và khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục tăng nếu căng thẳng địa chính trị liên quan đến vấn đề Ukraine leo thang. Đà tăng của giá dầu đã góp phần làm tăng tỷ lệ lạm phát của Mỹ, vốn tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 4 thập kỷ vào tháng trước. Trong tháng Một, giá tiêu dùng đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá năng lượng tăng 27%.

Theo các nhà phân tích của hãng dự báo và phân tích tình hình kinh tế Oxford Economics, mỗi lần giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm. Kathy Bostjancic, chuyên gia tại Oxford Economics, nhận định tác động lớn nhất của việc giá dầu cao hơn là lạm phát giá tiêu dùng và gia tăng sức ép buộc Fed phải hành động quyết liệt hơn.

Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 8% trong năm nay trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 40 điểm cơ bản lên hơn 1,9%. Theo công cụ Fedwatch của công ty phân tích dữ liệu Refinitiv (Anh), các nhà đầu tư dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất lên trên 1,5% vào cuối năm 2022, so với mức gần bằng 0 hiện nay.

Trà My (TTXVN)
Giá dầu Brent duy trì đà tăng, dầu WTI dứt chuỗi tám tuần tăng liên tiếp
Giá dầu Brent duy trì đà tăng, dầu WTI dứt chuỗi tám tuần tăng liên tiếp

Giá dầu thế giới kết thúc tuần giao dịch trồi sụt bất nhất với diễn biến ngược chiều, khi giới đầu tư cân nhắc khả năng nguồn cung bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gây ra, còn triển vọng xuất khẩu dầu của Iran gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN