Đồng USD đã tăng giá so với các đồng tiền khác trong nửa đầu năm 2024, một phần là do tình hình lãi suất cao ở Mỹ. Vào cuối tháng 9/2022, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 128,32, tăng mạnh so với cuối năm 2021, thời điểm chỉ số này ở mức 115,40.
Chỉ số đồng USD đã giảm xuống dưới 118 vào tháng 7/2023 trước khi đạt đỉnh năm 2023 ở mức hơn 124 vào cuối tháng 10/2023. Đồng USD, theo thước đo của chỉ số này, một lần nữa giảm xuống dưới mức 120 vào tháng 12/2023, nhưng đến giữa tháng 6/2024 đã tăng lên hơn 124, cho thấy một đợt tăng giá của đồng tiền này.
Ông Rob Haworth, Giám đốc chiến lược đầu tư cao cấp tại U.S. Bank Wealth Management, cho biết giá trị tương đối của các đồng tiền phản ánh diễn biến các dòng vốn trên toàn cầu, cụ thể, khi đồng USD tăng giá, có nghĩa là có nhiều tiền từ nước ngoài chảy vào Mỹ hơn so với chiều ngược lại. Trong năm 2023, các nhà đầu tư nhận thấy lãi suất ở Mỹ gần đạt đỉnh trong khi lãi suất ở các quốc gia khác vẫn đang tăng. Kết quả là, nhiều tiền chảy ra khỏi Mỹ hơn, dẫn đến sự giảm giá của đồng USD so với đồng euro.
Nhưng sang năm 2024, tình thế đã thay đổi. Ông Haworth cho biết, đồng USD đã mạnh lên nhờ tình hình lãi suất và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ông chỉ ra rằng thị trường đã dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất vào đầu năm 2024, nhưng mốc thời gian đó đã bị trì hoãn.
Theo ông Haworth, thị trường ngoại hối đang cố gắng phân định đường hướng chính sách lãi suất giữa Fed và đối trọng lớn nhất ở nước ngoài của ngân hàng này là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). ECB đã thực hiện bước thay đổi chính sách đầu tiên vào đầu tháng 6 bằng việc giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, Fed vẫn tiếp tục trì hoãn việc cắt giảm lãi suất dù chính ngân hàng này trước đó đã dự đoán rằng có thể xảy ra một số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Tác động đến các thị trường mới nổi
Nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy những tác động tiêu cực từ việc đồng USD tăng giá ảnh hưởng không cân đối đến các nền kinh tế thị trường mới nổi so với các nền kinh tế phát triển.
Ví dụ, giá trị đồng USD tăng 10% sẽ làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nền kinh tế thị trường mới nổi tới 1,9% sau một năm. Và tác động kéo giảm đối với tăng trưởng này có thể kéo dài tới hai năm rưỡi. Trong khi đó, tác động của đồng USD mạnh lên đối với các nền kinh tế phát triển lại nhỏ hơn nhiều, tối đa chỉ ở mức 0,6% GDP và gần như biến mất sau một năm.
Đồng USD mạnh lên sẽ tác động đến các nền kinh tế thị trường mới nổi thông qua thương mại và các dòng tiền. Kim ngạch thương mại của các nước này có xu hướng giảm, trong đó nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu, vì hàng nhập khẩu được định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn. Các thị trường này cũng phải chịu các tác động khác như khả năng tiếp cận tín dụng giảm, dòng vốn đầu tư giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và thị trường chứng khoán yếu hơn.
Tất cả những điều này làm gia tăng áp lực lên tăng trưởng ở các thị trường mới nổi. Tác động của việc đồng USD tăng giá trong năm nay đối với các nước đang phát triển có thể kéo dài trong nhiều năm và cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.
Đồng USD tăng giá cũng là một vấn đề "đau đầu" với các quan chức Nhật Bản. Gần đây, đồng yen Nhật Bản tiếp tục suy yếu xuống mức thấp kỷ lục mới khi chạm đáy trong vòng 38 năm so với đồng USD. Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản cơ bản vẫn hạn chế can thiệp, báo hiệu một cách tiếp cận thận trọng.
Đồng tiền Nhật Bản giảm hơn 12% trong năm nay, khi tiếp tục chịu sức ép do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn thận trọng trong việc thắt chặt chính sách và các cảnh báo mà ngân hàng này đưa ra không giúp khôi phục niềm tin của các nhà giao dịch.
Các nhà giao dịch và nhà phân tích cho hay, xu hướng này sẽ duy trì một thời gian cho đến khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất và khoảng cách lãi suất giữa hai nước thu hẹp lại.
Nguồn cơn và triển vọng
Có một khoảng cách lớn về lãi suất giữa Mỹ và các quốc gia khác. Fed bắt đầu tăng lãi suất vào mùa xuân năm 2022, nâng lãi suất từ gần 0% lên 5,25 - 5,5% hiện tại. Fed được dự đoán là ngân hàng trung ương lớn cuối cùng hạ lãi suất. Thị trường dự đoán phải đến tháng 9, Fed mới bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Ngược lại, lãi suất ở Nhật Bản vẫn ở gần mức 0, và BoJ được dự đoán sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 0,18 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm 2024. Vào cuối năm 2024, lãi suất ở Mỹ được dự đoán vẫn cao hơn 4,62% so với Nhật Bản.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở Mỹ đang rất khả quan. Điều này cũng hỗ trợ đồng USD Mỹ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2024 và 1,8% trong năm 2025. Con số này cao hơn nhiều so với các mức dự báo tăng trưởng 0,4%, 0,5% và 0,7% mà OECD lần lượt đưa ra cho Anh, Nhật Bản và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Khi nói đến thị trường ngoại hối, chênh lệch lãi suất lớn kết hợp với triển vọng tăng trưởng yếu hơn có thể khiến các đồng tiền giảm giá so với USD. Đây chính là điều đã xảy ra với đồng yen.
Câu hỏi được đặt ra là khi nào đồng USD sẽ suy yếu và ở mức độ nào? Cách dễ nhất để làm suy yếu đồng USD là thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nơi khác. Tuy nhiên, với việc Nhật Bản tăng lãi suất chậm chạp, một số thị trường mới nổi cắt giảm lãi suất, và ECB và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến hạ lãi suất vào mùa hè này, đồng USD có thể còn đi xa hơn.
Với tình hình lãi suất ở Mỹ vẫn ở mức cao hơn, điều này có thể thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn, từ đó có xu hướng làm đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, ông Haworth nhận định rằng nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến biến động tiền tệ. Ông cho biết: "Về cơ bản, việc Fed duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ thúc đẩy đồng USD. Mặt khác, tình trạng thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ đang gia tăng. Điều này có nghĩa là Bộ Tài chính Mỹ phải phát hành thêm trái phiếu và nguồn cung gia tăng có thể làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ Mỹ đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.