Chốt phiên, VN-Index “bốc hơi” hơn 31 điểm, xuống còn 1.329,26 điểm; HNX-Index cũng giảm hơn 15 điểm, xuống còn 343,46 điểm.
Tốp cổ phiếu kéo thị trường rơi hơn 12,68 điểm phải kể đến VCB, VPB, BID, BCM, GVR, CTG, FPT, VHM, TCB, MBB. Hầu hết các cổ phiếu này đều nằm trong nhóm cổ phiếu bluechips, đây cũng chính là yếu tố khiến chỉ số VN30 "bốc hơi" mất hơn 31 điểm, xuống còn 1.373 điểm.
Toàn thị trường chỉ có vài mã cổ phiếu làm điểm sáng xanh từ đầu phiên đến cuối phiên gồm REE, GAS, HSG, NLG, VSH…
Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch toàn thị trường phiên chiều tăng gấp đôi phiên sáng, đạt 689,68 triệu cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch cũng tăng hơn gấp đôi, tương đương 19.238 tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, có lẽ nỗi “sợ hãi” của các nhà đầu tư vẫn chưa dừng lại khi thời gian qua thị trường liên tục giảm sâu. Tuy nhiên, “hãy tham lam khi sợ hãi” vì “ tin xấu càng nhiều, lo lắng và thận trọng càng lớn, định giá càng rẻ và hiệu quả đầu tư sẽ càng cao", ông Lê Chí Phúc, CEO Quỹ SGI Capital, nhận định.
Theo ông Phúc, trong tháng 4/2022, VN-Index đã giảm 8,4%. Định giá thị trường VN30 tiệm cận gần vùng chỉ xảy ra 1% thời gian trong lịch sử ba năm gần đây. Dòng tiền đầu cơ chịu nhiều thiệt hại từ đầu năm và đã rút khỏi thị trường thể hiện ở thanh khoản tụt giảm thấp nhất một năm. Những giai đoạn dòng tiền đầu cơ bi quan và rút lui luôn tạo nên những cơ hội để dòng tiền đầu tư dài hạn quay lại. Sự vận động này sẽ bắt đầu tạo nền giá vững cho những cổ phiếu cơ bản có định giá hấp dẫn và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ.
Báo cáo quý I/2022 của 683 doanh nghiệp đến ngày 29/4 cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận quý là 42,9%, trong đó những ngành vốn hóa lớn như ngân hàng có mức tăng trưởng gần 36%, hóa chất tăng trưởng 461%... Trong đại hội cổ đông vừa qua, nhiều ban lãnh đạo doanh nghiệp tự tin với kế hoạch tăng trưởng trên 20% năm nay, dù đã tính tới những yếu tố bất lợi của giá hàng hóa và sự hồi phục của tiêu dùng có thể chậm hơn.
Ngoài ra, việc thanh lọc lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp giúp giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh của những doanh nghiệp yếu kém phát hành bằng mọi giá. Theo đó, đại diện SGI Capital cho rằng, việc kiểm soát chặt hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản và chứng khoán cũng giúp ổn định thị trường tài chính chung và hướng dòng tiền tới những địa chỉ lành mạnh, bền vững và hiệu quả hơn. Tất cả những điều này giúp gia tăng niềm tin dài hạn, nâng tầm để thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn đối với những dòng tiền lớn và dài hạn trên toàn cầu, vốn đang thiếu vắng những địa điểm đầu tư đủ minh bạch, ổn định, và mang lại tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, SGI Capital đánh giá thị trường chứng khoán vẫn đang có áp lực về dòng tiền. Cụ thể, việc thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế tín dụng bất động sản tạo nhiều xáo trộn ngắn hạn lên thị trường vốn. Những doanh nghiệp là tâm điểm phát hành nhiều (có áp lực đáo hạn trong 1 - 2 năm tới) và những tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ, ngân hàng có quan hệ tín dụng trực tiếp sẽ chịu ảnh hưởng nhưng không tác động lên an toàn hệ thống chung. Đến nay, lãi suất ổn định trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt.
Việc phát hành cổ phiếu của những doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài VN30 (có chất lượng doanh thu, lợi nhuận thấp) vẫn đang ở mức cao (trong số gần 82 nghìn tỷ đã và sẽ phát hành từ quý 3/2021 – quý 2/2022, nhóm VN30 chỉ chiếm 1,2% giá trị), tạo sức ép cho cổ đông của những doanh nghiệp này trong bối cảnh dòng tiền không còn dễ dãi và mặt bằng định giá của nhiều cổ phiếu trong VN30 đã về mức thấp.