Đến 10 giờ 30 phút, lực cầu hỗ trợ đã phần nào giúp chỉ số thu hẹp đà giảm. Tuy nhiên, đến 11 giờ trở đi, giao dịch liên tục được khớp khiến chỉ số tiếp tục rơi và mất hơn 23 điểm.
Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 15,6 điểm và dừng ở mức 1.345,08 điểm; HNX-Index giảm hơn 7 điểm và dừng ở mức 351,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 345,19 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 9.552 tỷ đồng.
Tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là BCM, BID, VNM, VPB, VHM, MSN, NVL, CTG, SAB, TCB. Nhìn chung thị trường, ngành ngân hàng và chứng khoán giảm mạnh nhất. Theo đó, các mã ngân hàng có mức giảm dao động từ 1-2%, trong khi cổ phiếu nhóm chứng khoán đều đang có mức giảm từ 1 đến hơn 4 %.
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, ngày 6/5, các nhà đầu tư đón nhận nhiều thông tin không mấy tích cực như các quan chức Fed quyết định nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000) và nói rõ rằng sẽ có thêm nhiều đợt nâng lãi suất trong thời gian tới, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế.
Bên cạnh đó, Fed cũng thông báo sẽ bắt đầu giảm quy mô tài sản 9.000 tỷ USD. Kế hoạch đưa ra trong ngày 4/5 cho thấy mỗi tháng Fed sẽ cho phép một lượng trái phiếu đến hạn mà không tái đầu tư. Kể từ ngày 1/6, Fed sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) mỗi tháng. Sau 3 tháng, nhịp độ sẽ nâng lên tương ứng thành 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.
Theo đó, CTCK Đông Á (DAS) nhận định, VN-Index có thể đi trong biên độ hẹp trong những phiên giao dịch tiếp theo kể từ ngày 6/5, chờ đợi những động lực rõ ràng hơn để có thể khích lệ nhà đầu tư mở trạng thái mua mới. Do đó, nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải, thận trọng trong các chiến lược lướt sóng ngắn hạn do chưa có sự đồng thuận của thị trường, có thể tích lũy cổ phiếu cho danh mục trung hạn khi thị trường điều chỉnh, quan tâm các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, thủy sản, may mặc... là những nhóm ngành có kết quả kinh doanh tốt trong quý 1/2022, đồng thời còn dư địa tăng trưởng trong các quý tiếp theo.
Còn CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, VN-Index vẫn có thể lùi về sâu hơn ở quanh mức 1.300 điểm để hình thành đáy W. Tuy nhiên, mọi thứ thường ít khi hoàn hảo như mong đợi và TVSI cho rằng sau cú lùi 2 phiên vừa qua, nếu thị trường đi lên, đóng cửa vượt qua 1.370 điểm trong các phiên tới kể từ ngày 6/5 sẽ đánh dấu việc hình thành đáy W lệch thành công.
Theo đó, TVSI khuyến nghị, những nhà đầu tư đã mạnh dạn mua vào trong vài tuần qua cũng như có một tỷ trọng cổ phiếu trên 70%/tài sản nên kiên nhẫn chờ đợi cho tới khi đáy thiết lập xong để mua thêm mỗi khi điều chỉnh sau đó.
Trong khi đó, theo CTCK Rồng Việt (VDSC), trong ngắn hạn, các nhà đầu tư cá nhân sẽ khó có thể quay trở lại thị trường với việc mua vào mạnh mẽ khi mùa kết quả kinh doanh dần kết thúc và ít tin tức hỗ trợ hơn trong tháng 5. Từ đó, dòng tiền thông minh từ các nhà đầu tư dài hạn có thể là yếu tố hỗ trợ thị trường.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, VDSC cũng đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua giai đoạn khó khăn trước sóng gió đến từ những thông tin liên quan đến thanh tra, xử phạt của cơ quan chức năng về hoạt động thao túng thị trường cổ phiếu. Song, VDSC tin rằng việc kiểm soát chặt chẽ và chống lại các hoạt động lừa đảo, thao túng thị trường sẽ tăng tính minh bạch và giảm rủi ro trên thị trường vốn, bất động sản tại Việt Nam, mang lại môi trường tốt hơn cho các nhà đầu tư.
Hiện tại, VDSC tính toán chỉ số VN-Index có mức định giá khá hấp dẫn với PE dự phòng năm 2022 là 12,4 lần (theo Bloomberg), thấp hơn mức trung bình 10 năm là 14,9 lần (tăng trưởng EPS 2022F là 21%). Đặc biệt đối với VN30, chỉ số này cũng hấp dẫn với PE là 12,3 lần (tính đến ngày 29/4/2022) và PE dự phòng 2022 là 11,1 lần. Tháng 5/2022, VDSC kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.320 - 1.420 điểm.
Theo đó, nhóm ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp tương đối thấp như VCB sẽ hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, VIC cũng là cổ phiếu đáng chú ý để nâng đỡ thị trường bởi sự phục hồi trở lại của một số mảng kinh doanh như trung tâm thương mại, khách sạn trong giai đoạn hậu COVID-9 cùng với việc chờ đợi động lực từ đợt IPO của Vinfast.
Đồng thời, nhóm thực phẩm và đồ uống (MSN) được kì vọng sẽ là một trợ lực cho thị trường khi mức định giá hiện đang thấp hơn trung bình 5 năm và là triển vọng tăng trưởng.
Về dòng tiền, VDSC đưa ra quan điểm thận trọng với dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Cụ thể, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước là động lực chính thúc đẩy thị trường trong xu hướng tăng trong giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, hiện tại, nhóm này đã và đang bị hoảng loạn trong đợt điều chỉnh mạnh gần đây nhất của thị trường, thể hiện qua việc bán ròng tới 4.683 tỷ đồng trong tháng 4.
Do đó, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư cá nhân sẽ khó có thể quay trở lại thị trường với việc mua vào mạnh mẽ khi mùa kết quả kinh doanh dần kết thúc và ít tin tức hỗ trợ hơn trong tháng 5. Từ đó, dòng tiền thông minh từ các nhà đầu tư dài hạn có thể là yếu tố hỗ trợ thị trường.