Do đó, vấn đề nâng hạng thị trường lên mới nổi trở nên cấp bách hơn bao giờ hết với kỳ vọng dòng vốn ngoại đảo chiều sang mua ròng.
Từ cú shock giải thể iShares MSCI Frontier and Select EM ETF
Tháng 6/2024, Tập đoàn quản lý tài sản BlackRock bất ngờ thông báo giải thể quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF - một quỹ hoán đổi danh mục (ETF) chuyên đầu tư vào thị trường cận biên và mới nổi được thành lập năm 2012.
Với quy mô tài sản 425 triệu USD, trong đó cổ phiếu Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 28% danh mục), việc iShares MSCI Frontier and Select EM ETF “biến mất” cũng khiến làn sóng bán ròng cổ phiếu từ các quỹ ETF ghi nhận mạnh nhất từ trước đến nay trên thị trường Việt Nam.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, tính đến cuối tháng 7/2024, các quỹ ETF đã rút ròng tổng cộng 18.500 tỷ đồng, tương đương giảm tới 24,4% tổng tài sản vào cuối năm 2023. Làn sóng rút ròng này đưa tổng tài sản các quỹ ETF về chỉ còn 59.900 tỷ đồng. Trong số đó, áp lực rút vốn tập trung lớn nhất ở DCVFM VNDiamond (-1.480 tỷ đồng), Fubon (-925 tỷ đồng), và Xtracker FTSE (-316 tỷ đồng).
Các chuyên gia của SSI cho rằng, việc quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF giải thể sẽ là bất lợi tạm thời cho Việt Nam khi muốn thu hút dòng vốn giải ngân vào các quỹ ETF đa quốc gia cùng với xu hướng luân chuyển dòng tiền diễn ra. Bên cạnh đó, các lựa chọn về quỹ chỉ số của Việt Nam không quá đa dạng (chủ yếu dựa trên rổ chỉ số VN30 và VN Diamond).
Tại sự kiện Investor Day tổ chức tháng 8/2024, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối đầu tư của Dragon Capital cho rằng, thị trường cận biên đang sụt giảm mạnh và co hẹp, dẫn tới những ETF mang tính cận biên đều bị bán hết, trong đó có Việt Nam. Do đó, vấn đề quan trọng lúc này là chứng khoán Việt Nam phải nâng hạng, lên được thị trường mới nổi.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) trước đó cũng cho rằng, việc BlackRock giải thể quỹ ETF iShares là sự kiện đơn lẻ liên quan đến chiến lược đầu tư của tập đoàn này. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn thị trường chứng khoán Việt Nam cần sớm cải thiện các tiêu chí còn vướng mắc theo nhận định của FTSE, MSCI để hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi mà Chính phủ đã đề ra vào năm 2025. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng để thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút được những nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn mới cũng như mở ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp trong nước.
Cấp bách phải nâng hạng thị trường
Mới đây, Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) đã công bố Dự thảo thông tư sửa đổi 4 thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền (NPS) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Cụ thể, việc xử lý vấn đề prefunding (ký quỹ trước giao dịch) được đưa ra thông qua giải pháp cho phép các công ty chứng khoán thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Trong đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu vào thời điểm T+0 và được cấp vốn vào thời điểm T+1 đến T+2.
Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích SSI, điều này sẽ giải quyết yêu cầu nâng hạng từ FTSE Russell, bao gồm việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại.
Đối với quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, mục tiêu từ ngày 1/1/2028, tất cả các công ty đại chúng và niêm yết sẽ công bố thông tin định kỳ và bất thường bằng tiếng Anh. Điều này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng tính minh bạch của thị trường cũng như sẽ giải quyết vướng mắc từ phía MSCI trong tiêu chí về quy định thị trường và luồng thông tin.
SSI kỳ vọng thông tư sẽ sớm được triển khai trong quý IV/2024 và là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ xếp hạng tháng 9/2024 và quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025.
Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, SSI ước tính sơ bộ dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,6 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russel ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).
“Việc chuyển từ nâng hạng từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đổi tên, mà là thay đổi về chất và dòng vốn sẽ đến phần lớn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp, hay nói cách khác là đạt được mục tiêu phát triển cơ sở nhà đầu tư. Việc được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cơ hội tốt giúp thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận được sự chú ý từ MSCI, trong bối cảnh danh sách các thị trường chứng khoán có cơ hội được nâng hạng lên mới nổi khá hạn chế (Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ MSCI cận biên)”, SSI nhận định.
Theo ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB), nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm và mong đợi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, do có nền kinh tế tăng trưởng cao. Tuy nhiên, vì Việt Nam vẫn là thị trường cận biên, trong khi các nhà đầu tư tổ chức quốc tế thường chỉ đầu tư vào thị trường mới nổi hoặc thị trường phát triển nên tỷ trọng nhà đầu tư ngoại ở thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ dưới 10%.
Vị chuyên gia này cho biết, tỷ trọng này cũng rất thấp so với 5 nền kinh tế lớn nhất trong khu vực ASEAN, khi giá trị giao dịch của nhà đầu tư quốc tế thường chiếm 40% trở lên. Do đó, những cải cách mới đây của Việt Nam về loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, cải thiện nguồn cung cổ phần trong điều kiện giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, cải thiện về tiếp cận thông tin là rất quan trọng để hướng đến việc nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trong báo cáo điểm lại tháng 8/2024 với chủ đề “Vươn tới tầm cao trên thị trường vốn”, các chuyên gia của WB cho rằng, để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cần thu hút đầu tư quốc tế ở mức đáng kể nhằm tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn. Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là động lực quan trọng để thị trường của Việt Nam được công nhận là có khả năng đầu tư, xét đến khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như lượng cổ phiếu có đủ quy mô và thanh khoản để trở nên hấp dẫn.
WB khuyến nghị Việt Nam cần có những cải thiện cụ thể để được nâng hạng thành thị trường mới nổi; đồng thời phải có hạ tầng và môi trường tổng thể vững chắc. Điều này có nghĩa là quy định phải ổn định, mang tính thực thi mạnh mẽ, hình thành giá cả tin cậy và minh bạch trong doanh nghiệp, được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng thị trường hiệu quả và đáng tin cậy cho các khâu giao dịch, bù trừ và thanh toán cũng như hạ tầng thông tin…
“Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được MSCI và FTSE Russell nâng cấp thành thị trường mới nổi, nghĩa là dòng vốn ròng 5 tỷ USD sẽ đổ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam, do danh mục của thị trường mới nổi toàn cầu được tái phân bổ sang Việt Nam sau khi được nâng cấp. Thậm chí, dòng tiền đổ vào có thể lên đến 25 USD Mỹ vào năm 2030, nếu những cải cách mạnh mẽ tiếp tục diễn ra và và môi trường đầu tư toàn cầu vẫn lành mạnh”, WB cho biết.