Đáng chú ý, thanh khoản những phiên tăng điểm luôn thấp hơn những phiên giảm điểm cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư. Trước diễn biến này, giới phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng, chỉ số sẽ tiếp tục đi ngang kèm với thanh khoản thấp, đồng thời hình thành một nền tích luỹ đủ mạnh trước khi quay trở lại xu hướng tăng.
Dấu hiệu điển hình giai đoạn tích lũy
Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, việc duy trì nhịp hồi phục từ vùng hỗ trợ 1.286 - 1.261 đi kèm với thanh khoản xuống thấp là dấu hiệu điển hình cho một giai đoạn tích luỹ với chỉ số VN-Index.
Lực cầu bắt đáy giá thấp hiện tại vẫn đang còn yếu nên nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục đi ngang kèm với thanh khoản thấp, đồng thời hình thành một nền tích luỹ đủ mạnh trước khi quay trở lại xu hướng tăng.
Ngoài ra, tín hiệu để chỉ số VN-Index quay trở lại xu hướng tăng là khi chỉ số này vượt vùng kháng cự 1.340 điểm kèm theo khối lượng đi lên tiệm cận đường trung bình 50 ngày (chỉ báo kỹ thuật quan trọng và phổ biến để nhận diện xu hướng thị trường).
Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) cho biết, các chỉ báo kỹ thuật phát đi tín hiệu trái chiều cho thấy nhiều khả năng, VN-Index sẽ hình thành xu thế giằng co quanh vùng 1.300 ± 10 điểm trong các phiên đầu tuần tới.
“Nhà đầu tư ưu tiên quan sát thị trường, hạn chế mua đuổi khi thị trường tăng điểm và cân nhắc gia tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục”, BOS khuyến nghị.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, việc chỉ số giảm điểm trong tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy, áp lực bán ra tạm thời suy yếu phần nào.
Trên góc nhìn sóng elliott, thị trường tiếp tục đi trong sóng điều chỉnh với mục tiêu quanh mốc 1.210 điểm. Sóng elliot là công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu.
Theo nguyên tắc sóng elliott, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó, sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.
SHS cho rằng, với việc chỉ số VN-Index vẫn chưa thể lấy lại các ngưỡng quan trọng như 1.300 điểm và 1.335 điểm, cùng đó là những phiên tăng điểm luôn có thanh khoản thấp hơn các phiên giảm nên thị trường có lẽ sẽ cần lui về một vùng cân bằng thấp hơn trong tuần tới.
Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo, từ 19 - 23/7, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu quay trở lại.
Về diễn biến thị trường, VN-Index giảm điểm trong tuần thứ hai liên tiếp với thanh khoản ở mức dưới trung bình. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 47,83 điểm xuống 1.299,31 điểm; HNX-Index tăng 1,03 điểm lên 307,76 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần, với trung bình khoảng 22.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 24,1% xuống 96.596 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 19% xuống 2.978 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 20,6% xuống 13.810 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch giảm 14,3% xuống 639 triệu cổ phiếu.
Ngành dầu khí tuần qua trở thành điểm sáng hiếm hoi khi tăng 1,6% giá trị vốn hóa. Các mã PLX tăng 0,6%, OIL tăng 0,8%, PVD và BSR đều tăng 3,5%, PVS tăng 6%...
Hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại đều ở chiều giảm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua có thông tin tích cực hỗ trợ, nhưng vẫn là nhóm diễn biến tiêu cực nhất thị trường, giảm tới 6,2% giá trị vốn hóa.
Các cổ phiếu như: ACB giảm 4,5%, BID giảm 5,3%, VPB giảm 6,3%, VCB giảm 6,6%, CTG giảm 7,8%, TCB giảm 8,8%...
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận cho một số ngân hàng được điều chỉnh dư nợ tín dụng (room tín dụng) trong những tháng cuối năm 2021.
Theo đó, cơ quan này chấp thuận điều chỉnh room tín dụng cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã chứng khoán: VPB) tối đa đến ngày 31/21/2021 tăng tỷ lệ từ 8,5% lên 12,1%. Hay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - MB (mã chứng khoán: MBB) có mức tăng trưởng tín dụng cũ là 10,5% thì nay được lên 15%, tương đương tăng "room" thêm 4,5%.
Sau 6 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng thương mại đã sử dụng gần hết hoặc đã hết hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Giới phân tích cho rằng, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới “room” tín dụng cho một số ngân hàng thương mại trong thời gian tới.
Ngoài ra, nếu giữ xu hướng khống chế hiệu quả được dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét mở rộng tín dụng cao hơn con số 12% cho toàn ngành.
Đây là thông tin tích cực đối với các ngân hàng, nhưng cổ phiếu ngành này lại giảm giá mạnh.
Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô của MBS nhận định, cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng nóng trong thời gian khá dài và được định giá khá cao. Cụ thể, có một số ngân hàng có chỉ số P/B (tỷ lệ giá cổ phiếu/giá trị sổ sách) tầm 2,5-3 lần, khá cao so với quy mô và mức tăng trưởng lợi nhuận.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nếu tính tỷ lệ giá cổ phiếu/giá trị sổ sách (P/B) thì hầu như mức trung bình của các ngân hàng hiện nay đều hơn 2 lần.
Nếu tỷ lệ này dưới 2, mức định giá của cổ phiếu ngân hàng đó mới còn hấp dẫn, còn ở mức trên 2 lần, đồng nghĩa với mức định giá không còn rẻ nữa.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin giảm sâu chỉ sau nhóm ngân hàng, với mức 3,3% giá trị vốn hóa. Các mã tiêu biểu trong ngành như: FPT giảm 3,2%, CMG giảm 3,8%.
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,2% giá trị vốn hóa. Các trụ cột nhóm này như: SCS giảm 0,8%, HVN giảm 2,3%, VJC giảm 2,9%, MWG giảm 4,8%, DGW giảm 10,1%.
Các nhóm còn lại đều giảm như: Công nghiệp giảm 0,4% giá trị vốn hóa, hàng tiêu dùng giảm 0,6%, nguyên vật liệu giảm 1,1%, tiện ích cộng đồng giảm 1,4%, dược phẩm và y tế giảm 1,6%, tài chính giảm 2,6%.
Về diễn biến khối ngoại, có thể nhận thấy thời gian gần đây khối này mua ròng mạnh trở lại. Cụ thể tuần qua, tổng khối lượng mua ròng của khối ngoại ở mức gần 72,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 2.381 tỷ đồng.
Đặc biệt, riêng sàn HOSE, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp ở mức gần 2.333 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 71,4 triệu cổ phiếu. Tính chung cả 3 tuần vừa qua, khối ngoại mua ròng tới 8.245 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Dịch COVID-19 gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư
Thực tế, các chỉ số chứng khoán Việt Nam tuần qua giảm mạnh trong bối cảnh chứng khoán thế giới đi xuống do những lo ngoại về diễn biến của đại dịch.
Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên vào đầu phiên 16/7 nhờ số liệu tích cực của lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới đã khiến sắc đỏ lan rộng, với ba chỉ số chính đều giảm điểm.
Bên cạnh đó, theo nhà phân tích Patrick O'Hare của trang phân tích thị trường Briefing.com (Mỹ), nhà đầu tư có xu hướng chốt lời trong khi tiếp tục chờ đợi những chỉ dấu tiếp theo để phán đoán hướng đi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cụ thể, chỉ số Dow Jone giảm 0,9% xuống 34.687,85 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8% xuống 4.327,16 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 0,8% và đóng cửa phiên ở mức 14.427,24 điểm.
Tính chung cả tuần, cả ba chỉ số đều giảm và chấm dứt đà tăng giá của ba tuần liên tiếp trước đó. Dow Jone giảm 0,5%, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt là 1% và 1,9%.
Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống trong phiên 16/7 do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế và sự bùng phát dịch bệnh đã gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 1% xuống 28.003,08 điểm, trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng về số ca mắc COVID-19 gia tăng và do Ngân hàng trung ương Nhật Bản hạ dự báo tăng trưởng GDP cho năm tài chính hiện nay.
Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong nhích nhẹ 0,03% lên 28.004,68 điểm sau khi Bloomberg News đưa tin các công ty niêm yết tại sàn Hong Kong sẽ được miễn trừ xem xét an ninh mạng. Còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải hạ 0,7% xuống 3.539,30 điểm.
Chứng khoán Seoul (Hàn Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia) cũng giảm điểm, trong khi chứng khoán Sydney (Australia), Singapore, Jakarta (Indonesia) và Bangkok (Thái Lan) tăng nhẹ.