Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,5% xuống 35.368,47 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 sụt mất 1,8% xuống 4.577,11 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 2,6% và khép phiên ở mức 14.506,90 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,6% xuống 7.563,55 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 1% xuống 15.772,56 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,9% xuống 7.133,83 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 1% xuống 4.257,82 điểm.
Sau một đợt tăng ít gián đoạn từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19, thị trường chứng khoán thế giới đang có dấu hiệu chững lại khi các thể chế tài chính toàn cầu chuyển hướng từ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng sang kiềm chế lạm phát quá “nóng”.
Những lo ngại đó đã khiến lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng mạnh vào thứ Ba, với lợi suất trái phiếu của Đức sắp chạm mức 0% - cao nhất kể từ năm 2019.
Nhà phân tích Michael Hewson của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Vương quốc Anh) cho biết diễn biến đó cũng làm tăng triển vọng rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không thể giữ quyết định không tăng lãi suất trong năm nay.
Dù vậy, nhà đầu tư vẫn hy vọng rằng chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trong năm nay khi các quốc gia mở cửa trở lại, đặc biệt là khi vaccine được triển khai rộng rãi và các nghiên cứu cho thấy biến thể Omicron dường như chỉ gây ra triệu chứng nhẹ hơn.
Giới phân tích cũng đang theo dõi mùa báo cáo thu nhập doanh nghiệp đang diễn ra, với hy vọng rằng các công ty có thể duy trì “màn trình diễn” xuất sắc của họ trong năm ngoái.
Tại thị trường trong nước, cuối phiên 18/1, chỉ số VN - Index giảm 13,9 điểm (0,96%) xuống 1.438,94 điểm. Chỉ số HNX – Index cũng để mất 24,13 điểm (5,42%) xuống 421,21 điểm.