Chứng khoán thế giới đi ngược chiều phiên 29/6

Thị trường chứng khoán thế giới đi ngược chiều nhau trong phiên 29/6 trong bối cảnh các nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ trước các dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Chứng khoán Phố Wall tăng trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ và đồng USD tăng sau khi Bộ Thương mại điều chỉnh tăng mạnh tốc độ tăng trưởng quý đầu tiên của Mỹ lên 2%.

Mặc dù con số này thấp hơn tốc độ tăng trưởng của hai quý trước, nhưng kết quả vững chắc trong quý đầu tiên cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ bất chấp một loạt các đợt tăng lãi suất do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện để hạ nhiệt lạm phát.

Hoạt động chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ đã giúp thúc đẩy tăng trưởng trong khoảng thời gian từ tháng 1-3/2023.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8% lên 34.122,42 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,5% lên 4.396,44 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đi ngang ở mức 13.591,33 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,4% xuống 7.471,69 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt đi ngang ở mức 15.946,72 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 0,4% lên 7.312,73 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,2% lên 4.354,69 điểm.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA, cho biết bằng chứng mới về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ "đã khiến các nhà đầu tư hoài nghi liệu họ có một lần nữa đánh giá thấp mức độ thắt chặt tiền tệ cần thiết hay không". Theo ông Erlam, khả năng phục hồi của nền kinh tế vốn không phải là điều thị trường thường phàn nàn, nhưng trong dịp này nó có thể gây bất lợi cho nền kinh tế.

Dữ liệu mới nhất cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống còn 239.000 đơn vào tuần trước, cũng chỉ ra nền kinh tế Mỹ vẫn khỏe mạnh.

Phát biểu tại một sự kiện ngân hàng ở Madrid, Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 29/6 đã nhắc lại cảnh báo rằng có thể cần thêm hai đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay, vì vẫn còn "một chặng đường dài phía trước" để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% của Fed.

Trước đó một ngày, phát biểu tại cuộc họp thường niên của các quan chức ngân hàng trung ương ở Sintra, Bồ Đào Nha, ông Powell cũng nói rằng “chính sách tiền tệ chưa đủ cứng rắn trong thời gian đủ dài”.

Bình luận của ông Powell được đưa ra sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho biết chi phí vay của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ tiếp tục tăng, ngay cả khi nền kinh tế đang suy thoái.

Dữ liệu lạm phát mới của Đức có khả năng thúc đẩy ECB gia tăng các hành động. Theo số liệu sơ bộ do Văn phòng thống kê liên bang Destatis công bố tỷ lệ lạm phát hàng năm tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng từ mức 6,1% lên 6,4% trong tháng 5/2023.

Thụy Điển ngày 29/6 đã tăng lãi suất cơ bản lên 3,75%, mức cao nhất trong gần 15 năm.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 12,96 điểm (1,14%) xuống 1.125,39 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 2,77 điểm (1,2%) xuống 227,48 điểm.

Minh Hằng (TTXVN)
Liệu các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ có gặp 'cơn gió ngược' trong nửa cuối năm?
Liệu các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ có gặp 'cơn gió ngược' trong nửa cuối năm?

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng cao trong nửa đầu năm 2023 bất chấp nhiều trở ngại, từ những bất ổn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng đến những nghi ngại về sức khỏe của nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN