Cuối phiên sáng 6/12, VN-Index giảm 10,88 điểm xuống 1.432,44 điểm. Tính từ phiên giao dịch 26/11 đến nay, chỉ số này chỉ có duy nhất 1 phiên tăng điểm vào ngày 1/12.
Khối lượng giao dịch trên HOSE đạt hơn 492,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 14.811,2 tỷ đồng. Toàn sàn chỉ có 85 mã tăng giá, trong khi có tới 360 mã giảm giá và 44 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 3,43 điểm xuống 445,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 70,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 1.809 tỷ đồng. Toàn sàn có 53 mã tăng giá, 180 mã giảm giá và 33 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 1,1 điểm xuống 111,01 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 61,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 1.164,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 71 mã tăng giá, 227 mã giảm giá và 47 mã đứng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có 17 mã giảm giá, trong khi có 12 mã tăng giá và 3 mã đứng ở mốc tham chiếu. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu họ Vingroup đồng loạt tăng, nhưng mức tăng không mạnh. Theo đó, VRE tăng 0,4%, VHM tăng 0,6% và VIC tăng 0,7%. Các cổ phiếu BVH, PNJ, MSN, VNM, GVR, PDR, POW, SSI… cũng đều ở chiều tăng giá.
Dù vậy, trong 17 mã cổ phiếu trong rổ cổ phiếu VN30 giảm giá, có các mã đại diện của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tạo áp lực giảm điểm rất lớn lến chỉ số VN-Index. Thực tế, chỉ số VN30-Index cũng giảm 7,24 điểm.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn duy nhất BID giữ được sắc xanh. Tất cả các mã cổ phiếu ngành ngân hàng còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trên thị trường nên có tác động lớn đà tăng giảm của chỉ số.
Tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, sắc đỏ chiếm ưu thế. Tuy nhiên, vẫn có những mã trụ cột tăng khá tích cực như: SSI, SHS, VND, MBS, VDS.
Tại nhóm cổ phiếu ngành y tế, hàng loạt mã giảm giá sau. Dù vậy, LDP và PBC ngược dòng thị trường khi tăng lên mức giá trần.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến tiêu cực với PLX, PVB, PVC, PVS, OIL, BSR giảm giá. Nhóm ngành thép không còn mã nào tăng giá. Các mã HPG, HSG, TLH, POM, SMC, HMC, DTL, BVG đều ở chiều giá đỏ. Nhóm ngành cao su cũng chỉ còn PDR tăng giá, HRC may mắn đứng ở tham chiếu. Tất cả các mã còn lại trong nhóm này giảm mạnh.
Giao dịch của khối ngoại là điểm sáng trong phiên sáng nay khi mua ròng 273,87 tỷ đồng trên HOSE và 3,45 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ bán ròng 1,26 tỷ đồng trên HNX. Khối ngoại đã bán ròng cả 5 phiên giao dịch tuần trước, từ 29/11 - 3/12.
Tại châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán đi xuống vào đầu phiên sáng 6/12 do lo ngại về mức độ lây lan của biến thể Omicron và tác động tới kinh tế thế giới.
Chỉ số chứng khoán tổng hợp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không bao gồm Nhật Bản) lùi 0,4% trong phiên này.
Đầu phiên 6/12, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo, Nhật Bản đã giảm 0,81% xuống 27.803,88 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng mở cửa phiên 6/12 với mức giảm khá mạnh, theo chân đà giảm của Phố Wall hồi tuần trước do những lo lắng về biến thể Omicron. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul đã giảm khoảng 1,02% xuống 2.938,07 điểm chỉ trong 15 phút đầu giao dịch.
Theo giới quan sát, đà giảm trên một phần lớn đến từ hoạt động bán tháo của các nhà đầu tư tổ chức và khối nước ngoài.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại có diễn biến khá trái chiều. Chứng khoán Hong Kong đi xuống khi giới đầu tư lo ngại về khả năng Mỹ sớm tăng lãi suất, bên cạnh những tác động kéo dài từ việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý giám sát đối với các công ty công nghệ lớn.
Đầu phiên 6/12, chỉ số Hang Seng giảm 1,07% xuống 23.511,82 điểm. Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,25% lên 3.616,53 điểm.