Thị trường giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên sáng, các chỉ số tiếp tục giảm sâu cho đến khi kết thúc phiên sáng. Theo đó, tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 27,3 điểm (3,65%), xuống 720,36 điểm; trong khi HNX-Index giảm 1,28 điểm (1,26%), xuống 100,56 điểm.
Đến đầu phiên chiều, áp lực bán tiếp tục dâng cao và các chỉ số tiếp tục đà giảm, VN-Index đã mất 31 điểm. Sau đó, chỉ số này bật tăng rồi lại đi ngang trong khoảng 1 giờ cuối phiên giao dịch mà chưa thể phục hồi.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/3, VN-Index giảm 21,72 điểm xuống 725,94 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 353,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 4.218 tỷ đồng. Toàn sàn có tới 313 mã giảm giá, trong khi chỉ có 69 mã tăng giá và 44 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,85 điểm xuống 100,99 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 94 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 589,3 tỷ đồng. Toàn sàn cũng có tới 100 mã giảm giá, trong khi chỉ có 55 mã tăng giá và 56 mã giảm giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có 27 mã giảm giá, trong khi chỉ có 1 mã tăng và 2 mã đứng giá. Chỉ số VN-Index thu hẹp đà giảm vào cuối phiên là nhờ cổ phiếu họ Vingroup chỉ còn giảm nhẹ.
Theo đó, VIC chỉ còn giảm 0,5%, VRE giảm 0,9% và VHM giảm 1,4%. Mức giảm này đã thấp hơn nhiều so với kết phiên sáng nay (phiên sáng nay các mã cổ phiếu họ Vingroup đều giảm từ gần 6% và hơn 6%). Bên cạnh đó, MSN cũng chỉ còn giảm nhẹ 0,4%.
Trong nhóm VN30, các mã giảm mạnh có thể kể đến như: VNM giảm tới 6,3%, BVH giảm 4,9%, VJC giảm 3,4%, PNJ giảm 5,2%, MWG giảm 4,1%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn duy nhất mã VBB giữ được sắc xanh. Bên cạnh đó,cuối phiên chiều một số mã ngân hàng được thu hẹp được mức giảm so với đầu phiên chiều. Cụ thể, ACB chỉ còn giảm 0,5%, TPB tăng được lên mức tham chiếu.
Dù vậy, hầu hết các mã trong nhóm cố phiếu ngân hàng đều chìm trong sắc đỏ. TCB giảm 3,9%, VCB giảm 4,8%, BID giảm 3,3%, VPB giảm 3,5%, EIB giảm 4,3%, CTG giảm 4,1%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí ngoài chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chung thì còn chịu thêm ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm.
Theo đó, cổ phiếu dầu khí giảm sâu với BSR giảm tới 4,5%, PVD giảm 5,7%, PVS giảm 1,9%, PVB giảm 0,9%, GAS giảm 4,7%, PLX giảm 4,8%, POW giảm 3,3%...
Khối ngoại phiên hôm nay vẫn bán ròng rất mạnh. Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 467 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là MSN (hơn 83 tỷ đồng), HPG (hơn 78,4 tỷ đồng), VNM (hơn 63,3 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại cũng bán ròng 20,27 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là HUT (hơn 12,66 tỷ đồng), PVS (hơn 6,9 tỷ đồng) và TNG (hơn 1,9 tỷ đồng).
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 26,43 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là BSR (hơn 7,1 tỷ đồng), ACV (hơn 5,1 tỷ đồng), QNS (hơn 4,7 tỷ đồng).
Trước những khó khăn của thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC; trong đó, giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, giảm giá từ 10 - 50% với 9 dịch vụ; trong đó, giảm 10% đối với 3 dịch vụ bao gồm dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán.
Giảm từ 15 - 20% đối với 2 dịch vụ bao gồm: dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh. Giảm từ 30 - 50% đối với 4 dịch vụ là dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.
Thông tư cũng nêu rõ, không thu đối với 6 dịch vụ bao gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD); đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.
Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch ngày 19/3, các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm, trong khi đồng USD tăng mạnh, khi kế hoạch chi hơn 800 tỷ USD để mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã không thể truyền tâm lý lạc quan cho giới đầu tư vốn đang lo ngại về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu.
ECB đã ban hành “Chương trình mua khẩn cấp trong đại dịch” nhằm cung cấp thanh khoản cho các thị trường tài chính. ECB cho biết kế hoạch trị giá 750 tỷ euro (820 tỷ USD) này là tạm thời và sẽ chấm dứt khi dịch bệnh được cho là đã qua đi, nhưng sẽ không kết thúc trước cuối năm nay.
Ban đầu, các thị trường châu Á tăng điểm trước thông tin nói trên, nhưng sau đó đã mất đà khi giới đầu tư dự đoán những tháng sắp tới sẽ rất khó khăn khi nhiều nước trên thế giới đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Khép lại phiên này, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1% xuống còn 16.552,83 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 2,61% xuống 21.709,13 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite để mất 1% và đóng phiên ở mức 2.702,13 điểm.
Sắc đỏ cũng tràn ngập trên các thị trường khác trong khu vực, khi Seoul có thời điểm giảm hơn 8%, Singapore giảm 4,5%, còn các thị trường Sydney, Wellington và Bangkok đều để mất hơn 3%. Thị trường Đài Bắc và Jakarta cũng giảm hơn 5%.
Đáng chú ý trong phiên này, thị trường Manila có thời điểm lao dốc với mức giảm gần 25% sau khi mở cửa trở lại sau hai ngày ngừng giao dịch do tình hình dịch bệnh, nhưng sau đó đã thu hẹp đà giảm xuống còn hơn 13%. Sự sụt giảm nói trên của các thị trường chứng khoán diễn ra cùng với sự tăng giá của đồng USD.
“Đồng bạc xanh” đã tăng hơn 6% so với đồng AUD và hơn 3% so với đồng won của Hàn Quốc, trong khi đồng bảng Anh hiện đang ở quanh các mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1980.