Phiên này, chứng khoán Mỹ đã thoát khỏi xu hướng giao dịch mờ nhạt từ hồi đầu tuần khi S&P 500 kết thúc ngày thứ Tư ở mức cao kỷ lục mới.
Cụ thể tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,2% lên 39.760,08 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 0,5% và khép phiên ở mức 16.399,52 điểm.
Đáng chú ý, chỉ số tổng hợp S&P 500 kết thúc ở mức 5.248,49 điểm, tăng 0,9% và vượt mức kỷ lục được thiết lập vào tuần trước. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số này đã tăng hơn 10%.
Các thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương cũng đa phần lên điểm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) đi ngang ở mức 7.931,98 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 0,3% và đạt mức 8.204,81 điểm.
Chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) đã tăng 0,5% lên mức cao kỷ lục mới là 18.477,09 điểm, ngay cả khi các viện kinh tế hàng đầu của Đức hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 của nền kinh tế hàng đầu châu Âu xuống 0,1%.
Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này cũng tăng 0,4% và khép phiên ở mức 5.081,74 điểm.
Các nhà phân tích đã chỉ ra một phần động lực của đà tăng này là các nhà quản lý quỹ mua thêm cổ phiếu để thể hiện họ nắm đủ lượng cổ phiếu vào cuối quý.
Hiện giới đầu tư đang chú ý đến sắp công bố thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) vào thứ Sáu tuần này (29/3) mặc dù thị trường Mỹ sẽ đóng cửa vào ngày hôm đó.
Ông Chris Beauchamp, Giám đốc phân tích thị trường tại nền tảng giao dịch trực tuyến IG cho biết số liệu lạm phát có thể sẽ hạn chế phần nào xu hướng tăng giá. Nhưng các yếu tố cơ bản cho thấy thị trường vẫn có thể duy trì đà tăng trong tháng 4/2024 và hơn thế nữa.
Nhưng ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư chính tại công ty tư vấn đầu tư CFRA Research cho biết thị trường có thể vẫn ở trạng thái thận trọng trong giai đoạn tới sau đợt tăng vừa qua.
Tại thị trường trong nước kết thúc phiên giao dịch ngày 27/3, chỉ số VN - Index tăng 0,88 điểm (0,07%) lên 1.283,09 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 0,82 điểm (0,34%) lên 242,85 điểm.