Sau một buổi sáng "chìm sâu" trong sắc đỏ, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào buổi chiều, cho phép hai trong ba chỉ số chính kết thúc ở mức cao hơn. Sự đảo chiều này diễn ra khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - một chỉ báo cho lãi suất - giảm xuống dưới mức 3%.
Cụ thể trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống 30.967,82 điểm. Ngược lại, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,2% lên 3.831,39 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến tới 1,8% và khép phiên ở mức 11.322,24 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm do lo ngại về triển vọng kinh tế của khu vực giảm. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 2,9% xuống 7.025,47 điểm và chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) cũng để mất 2,9% xuống 12.401,20 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 2,7% xuống 5.794,96 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 2,7% xuống 3.359,83 điểm.
Nhà phân tích thị trường David Madden tại công ty dịch vụ tài chính Equiti Capital (Vương quốc Anh) cho biết những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế thế giới đang ngày một lan rộng. Đó là lý do tại sao các thị trường cổ phiếu, năng lượng và kim loại công nghiệp đang sụt giảm nghiêm trọng.
Đáng chú ý nhất trong phiên này là đồng euro rơi xuống mức thấp nhất trong 20 năm là 1,0238 USD đổi 1 euro, giữa lúc các nhà đầu tư chú ý đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát. Điều này trái ngược với kế hoạch có phần khiêm tốn hơn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Tâm lý trên thị trường châu Âu càng bị lung lay bởi dữ liệu khảo sát mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có phần “hụt chân” trong tháng Sáu.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) được theo dõi chặt chẽ hàng tháng do công ty nghiên cứu thị trường S&P Global (Mỹ) tổng hợp đã giảm từ mức 54,8 vào tháng Năm xuống 52,0 trong tháng Sáu. Tuy chỉ số này vẫn trên ngưỡng 50 phân cách giữa tăng trưởng và suy giảm, đây là mức thấp nhất trong 16 tháng qua.
Theo giới quan sát, số liệu trên cho thấy nguy cơ Eurozone tăng trưởng chậm lại vào cuối quý II và làm tăng triển vọng suy giảm hoạt động trong những tháng tới.
Các nhà phân tích cũng nhận định ECB đang trong thế khó. Họ vừa phải tăng lãi suất để giải quyết lạm phát và thúc đẩy đồng tiền chung của khối, đồng thời phải hỗ trợ các nền kinh tế đang gặp khó khăn phục hồi sau hai năm diễn ra đại dịch.
Còn tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên 5/7, chỉ số VN-Index giảm 1,19% xuống 1.181,29 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,16% xuống 277,94 điểm.