Đây được coi là một trong nỗ lực nhằm khống chế lạm phát tại Mỹ, hiện đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua.
Trên các sàn giao dịch tại Hong Kong (Trung Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc/Đài Loan (Trung Quốc), Wellington (New Zealand), Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia), các chỉ số số chứng khoán đều tăng điểm. Có thông tin cho rằng dự kiến trong tuần này, Nhà Trắng sẽ công bố quyết định dỡ bỏ một phần thuế trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hàng trăm tỷ USD từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Cũng có thông tin cho biết Tổng thống Biden đang cân nhắc mở cuộc điều tra về cáo buộc Trung Quốc trợ cấp công nghiệp, mở đường cho các giải pháp mang tính lựa chọn cao hơn ở một số lĩnh vực chiến lược.
Khi một số quy định thuế sắp hết hiệu lực, giới chức Nhà Trắng đã tiến hành các cuộc thảo luận về biện pháp kế tiếp có tính đến kiểm soát lạm phát, vốn đang ở mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm qua. Trong một động thái cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể đạt đồng thuận, Tân Hoa xã đưa tin Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) đã tiến hành đàm phán.
Chuyên gia Stephen Innes đến từ Quỹ Quản lý tài sản SPI nhận định: “Trong bối cảnh Nhà Trắng coi lạm phát hiện là kẻ thù số 1, giới đầu tư đang nghiêng về kịch bản Mỹ sẽ dần rút lại một số biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, vì bước đi này giúp giảm chi phí đối với người tiêu dùng Mỹ”. Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng việc dỡ bỏ một số sắc thuế được giới đầu tư chào đón nồng nhiệt, nhưng khó đem lại hiệu quả lâu dài trong kiểm soát lạm phát.
Theo ông Charu Chanana thuộc Saxo Capital Markets, các thị trường chứng khoán có xu hướng phản ứng tích cực một cách tự động, vì ở thời điểm hiện tại có quá ít những thông tin tích cực. Tuy nhiên, ông không cho rằng bước đi trên sẽ tác động đáng kể đến tăng trưởng và biến động lạm phát toàn cầu.