Sau một thời gian dài tỏ ra hoài nghi đối với chứng khoán châu Âu, một số nhà đầu tư và nhà phân tích đang tìm lý do để lạc quan.
Ngân hàng Jefferies đầu tuần này cho biết sự kết hợp giữa lãi suất cao, tình hình địa chính trị phức tạp và nền kinh tế suy yếu thường không thuận lợi cho chứng khoán. Nhưng trong môi trường hiện tại, nơi lợi suất trái phiếu tăng cao khiến dòng tiền rút khỏi chứng khoán, tin xấu lại là tin tốt.
Chiến lược gia Mohit Kumar cho biết bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào của nền kinh tế sẽ dẫn đến lợi suất thực tế thấp hơn và hỗ trợ các tài sản rủi ro như chứng khoán.
Ngân hàng Deutsche Bank đang khuyến nghị nhà đầu tư tăng cường mua vào chứng khoán châu Âu, viện dẫn rằng triển vọng tăng trưởng yếu hơn, thu nhập không như kỳ vọng và việc các ngân hàng trung ương không thực sự muốn cắt giảm lãi suất phần lớn đã được thị trường tính tới. Diễn biến này mang lại cơ hội cho chứng khoán châu Âu tăng điểm từ những bất ngờ tích cực.
Các công ty châu Âu dự kiến sẽ bước vào đợt thu nhập giảm hai quý liên tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2020.
Trong quý III/2023, lợi nhuận của các công ty thuộc nhóm STOXX 600 được dự báo sẽ giảm 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 5,9% trong quý trước đó. Tăng trưởng thu nhập dự kiến chỉ phục hồi từ quý II/2024.
Ông Oliver Collin, quản lý cấp cao đồng phụ trách bộ phận thị trường chứng khoán châu Âu tại công ty môi giới đầu tư Invesco, cho biết thị trường đã định giá theo kịch bản "Everest” (chỉ việc lãi suất tăng nhanh cũng sẽ sụt giảm nhanh tương tự) thay vì kịch bản “Table Mountain” (chỉ việc lãi suất cao và đi ngang trong thời gian dài).
Điều đó có nghĩa giá những cổ phiếu hưởng lợi từ lãi suất cao như nhóm các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm có thể xuống thấp hơn với rủi ro giảm, do đó chúng có tiềm năng để tăng giá. Hiện những cổ phiếu này rất rẻ vì thị trường đang trong kịch bản “Everest'".
Dự báo thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các ngân hàng châu Âu trong 12 tháng tới hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008. Nhưng cổ phiếu của họ lại thấp hơn 70% so với mức đỉnh năm 2007, sau khi bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng hồi tháng Ba khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Trong 50 năm qua, khi các ngân hàng trung ương ngừng tăng lãi suất, chứng khoán châu Âu thường có xu hướng tăng khi động thái đó không kéo theo suy thoái kinh tế.
Dữ liệu của ngân hàng Bank of America cho thấy trong trường hợp kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến suy thoái, thị trường chứng khoán châu Âu sau đó sẽ ghi nhận sự điều chỉnh từ 20% trở lên.
Bà Ayesha Akbar, nhà quản lý danh mục đầu tư đa tài sản tại Fidelity, ủng hộ giới đầu tư mua vào cổ phiếu của các lĩnh vực “phòng thủ” như chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng thiết yếu, khi tương lai có vẻ đầy thách thức đối với chứng khoán châu Âu. Lãi suất có thể sẽ cần phải duy trì ở mức hạn chế tăng trưởng kinh tế trong một thời gian tương đối.
Còn chuyên gia McLennan của First Eagle cho biết đồng euro yếu hơn một phần đã hỗ trợ triển vọng chứng khoán châu Âu. Đồng tiền này đang hướng tới năm giảm thứ ba liên tiếp so với đồng USD.
Ông nhận định có khả năng cổ phiếu châu Âu sẽ hoạt động tốt hơn cổ phiếu Mỹ trong một khoảng thời gian.