Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 241,67 điểm (0,85%), lên 28.698,26 điểm, nhờ dữ liệu tích cực về kinh tế Trung Quốc và kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế mới của Mỹ. Tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi cũng tăng nhẹ 1,64 điểm (0,05%), lên 3.149,93 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 1,22 tỷ cổ phiếu, trị giá 23.800 tỷ won (21,7 tỷ USD). Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng tiến 28,7 điểm (0,43%), lên 6.715,30 điểm, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán Singapore, Mumbai (Ấn Độ), Manila (Phillipines) và Jakarta (Indonesia) cũng đồng loạt đi lên.
Tại thị trường Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt lại biến động trái chiều. Chỉ số Hang Seng tăng 261,26 điểm (0,93%), lên 28.496,86 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite lại hạ 32,75 điểm (0,91%), xuống 3.565,90 điểm.
Cố vấn kinh tế hàng đầu trong chính phủ mới của nước Mỹ cho biết, Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 14/1 (theo giờ địa phương) sẽ thúc giục Quốc hội Mỹ nhanh chóng đưa ra các nỗ lực "giải cứu" nền kinh tế chịu tác động từ đại dịch COVID-19, trước khi chuyển sang các biện pháp "phục hồi" rộng lớn hơn như chăm sóc sức khỏe người dân và xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Brian Deese, người sẽ đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong chính phủ mới của ông Biden cho biết, Tổng thống đắc cử Biden sẽ đưa ra một kế hoạch kinh tế “song tuyến”. Đầu tiên sẽ là tuyến giải cứu, trong đó bao gồm nỗ lực đạt được khoản thanh toán 2.000 USD cho người dân nhằm giúp họ vượt qua giai đoạn suy thoái vì dịch COVID-19. Bên cạnh đó là nỗ lực phục hồi dài hạn hơn nhằm thực hiện kế hoạch “Build Back Better” (Xây lại nước Mỹ tốt đẹp hơn) mà ông Biden đã đặt ra trong thời gian tiến hành chiến dịch tranh cử.
Thị trường chứng khoán cũng nhận được lực đẩy sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định rằng, bất kỳ động thái nào nhằm thắt chặt chính sách "sẽ rất không hợp lý" và có thể dẫn đến "rủi ro rất nghiêm trọng".
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/1, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 1,35 điểm (0,11%) lên 1.187,80 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 6,62 điểm (1,85%) lên 363,68 điểm.
* Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 14/1 sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ năm liên tiếp và dấu hiệu cho thấy hoạt động nhập khẩu dầu gia tăng từ Trung Quốc.
Vào lúc 14 giờ 44 phút ngày 14/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 13 xu Mỹ (0,2%) lên 56,19 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 20 xu Mỹ (0,4%) lên 53,11 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ dầu tại các kho của nước này đã giảm trong tuần thứ năm liên tiếp, giảm khoảng 3,2 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn so với dự báo giảm 2,3 triệu thùng mà các nhà phân tích của hãng Reuters đưa ra.
Thông tin Tổng thống đắc cử Joe Biden của Mỹ dự kiến sẽ công bố kế hoạch phục hồi kinh tế Mỹ trong ngày 14/1 cũng hỗ trợ giá dầu.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp của trung tâm OANDA cho rằng dữ liệu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tiếp tục tốt hơn và một gói kích thích kinh tế lớn của Mỹ dường như đang được triển khai sẽ hỗ trợ cho giá dầu.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tổng lượng nhập khẩu dầu thô của nước này đã tăng 7,3% trong năm 2020 bất chấp cú sốc do đại dịch COVID-19.