Cụ thể, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không bao gồm Nhật Bản) tăng cao kỷ lục với 1,56%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc khép phiên tăng 3,97% lên 3.152,18 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,05%. Trong khi đó, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 0,3% xuống 5.495,43 điểm, còn chỉ số tổng hợp Thượng Hải rớt 0,2% xuống 3.570,11 điểm.
Trên sàn chứng khoán Tokyo, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 chốt phiên tăng 2,36% lên 28.139,03 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 8/8/1990. Chỉ số Topix mở rộng tăng 1,57% lên 1.854,94 điểm.
Mở cửa phiên giao dịch cùng ngày, nhiều chỉ số chứng khoán châu Âu cũng tăng lên mức cao. Vào khoảng 8h GMT (15h giờ Việt Nam), chỉ số STOXX 600 châu Âu tăng 0,7%. Chỉ số DAX của Đức tăng 1% lên 14.106,6 điểm, mức cao kỷ lục trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 0,7% lên 5.711,58 điểm. Ngoài khu vực Eurozone, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,4% lên 6.881,83 điểm.
Thị trường chứng khoán tăng điểm nhờ tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư sau khi các chỉ số chứng khoán trên thị trường Phố Wall tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 7/1, trong khi giá trái phiếu giảm giữa lúc giới thị trường dự đoán nhiều khả năng chính phủ sắp tới ở Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát sẽ chi tiêu mạnh để hỗ trợ kinh tế đất nước phục hồi.
Chuyên gia phân tích James Tao tại công ty môi giới chứng khoán trực tuyến lớn nhất Australia CommSec cho rằng các nhà đầu tư có tâm lý khá lạc quan với những diễn biến hiện nay, đặc biệt với khả năng Chính phủ Mỹ sẽ tung ra gói kích thích mới tạo “cú hích” cho nền kinh tế. Về phần mình, chuyên gia Carsten Brzeski của tập đoàn ING dự đoán: “Chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến sự phục hồi đồng bộ của kinh tế toàn cầu trong nửa sau của năm nay. Hiện có nhiều mối lo ngại về virus SARS-CoV-2 và ồn ào xung quanh vaccine phòng virus này. Nhưng chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn một chút”.