Đây là ngày giao dịch "đỏ sàn" thứ 3 liên tiếp của các thị trường châu Á do giới đầu tư đặc biệt quan ngại trước việc giá dầu đột ngột tăng cao có thể làm gia tăng áp lực lạm phát vốn đang chịu nhiều sức ép từ chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Chốt phiên giao dịch ngày 5/10, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không tính Nhật Bản) đã giảm 1,3%, đánh dấu phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Chỉ số MSCI dừng ở mức 619,77 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Trong khi, các chỉ số chứng khoán chủ lực tại Nhật Bản giảm 2,5% điểm, Hàn Quốc giảm 2% điểm và Australia giảm 0,4% điểm.
Trong ngày 4/10, giá dầu thế giới đã chạm mức đỉnh trong 3 năm qua sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định duy trì sản lượng khai thác dầu thô hiện tại, trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm xăng, dầu hồi phục phục vụ gia tăng sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân toàn cầu sau thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Giá dầu tại Mỹ hiện ổn định ở mức 77,68 USD/thùng sau 1 ngày chạm giá cao nhất kể từ năm 2014, trong khi giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,5 USD/thùng sau khi chạm mức giá cao nhất trong 3 năm qua.
Ngoài những yếu tố nêu trên, thị trường chứng khoán châu Á đều hướng sự chú ý đến Tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, đe dọa gây ra hiệu ứng tiêu cực cho ngành này nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung. Cố phiếu của tập đoàn này đã ngừng giao dịch trong ngày 4/10, trong khi các công ty bất động sản khác cũng đang chịu đánh giá tín nhiệm thấp do những lo ngại về khả năng thanh toán nợ của các công ty này.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/10 tại thị trường giao dịch New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,94% điểm xuống 34.002,92 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,30%, xuống còn 4.300,46 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,14%, còn 14.255,49 điểm khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu các công ty công nghệ lớn.