Ông đánh giá thế nào về diễn biến giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mấy phiên đầu tuần này?Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: DT |
Từ cuối năm ngoái đến nay, chúng ta vẫn lo lắng về hai nguy cơ có thể gây tác động kép ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là: Fed tăng lãi suất điều hành và căng thẳng thương mại quốc tế, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ Trung.
Cụ thể: Ngày 13/6, Fed đã thông báo tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn lên mức 1,75% - 2% và dự báo có thể tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay; đồng thời sau đó mấy ngày, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 200 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Chưa dừng ở đó, căng thẳng thương mại còn manh nha diễn ra giữa Mỹ và châu Âu, khi Mỹ có ý định áp thuế 20% đối với ô tô của châu Âu nhập khẩu vào Mỹ. Điều đó cộng với phát ngôn hàm ý hạn chế đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ của chính quyền Nhà Trắng đã làm cho TTCK Mỹ lao dốc rất mạnh.
Tác động kép của 2 sự kiện này đã làm rung động cả thị trường tài chính thế giới. Theo đó, chỉ riêng trong ngày 25/6, chỉ số Dow Jones và Nasdaq của Mỹ giảm lần lượt trong ngày là 1,2% và 2,09%. Tuy nhiên, chúng ta thấy tác động của sự kiện kép này tới châu Á là lớn hơn rất nhiều. Chỉ số Compositecủa Sở GDCK Thượng Hải đã giảm 6,4% trong tháng 6 và giảm thêm 2,5% trong 2 ngày hôm qua. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm giá liên tục trong 14 ngày gần đây, với mức giảm trên 5%. Thị trường Hàn Quốc và các nước ASEAN cũng đồng loạt giảm.
Chúng tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các quỹ đầu tư nước ngoài gia tăng rút vốn khỏi một số thị trường châu Á. Trong 6 tháng đầu năm các quỹ đã rút vốn khỏi 7 thị trường châu Á (Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore, Thailand, Indonesia, Philipine) 22,8 tỷ USD. Trong bối cảnh chung đó, dù được đánh giá là nước có kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng Việt Nam cũng không khỏi bị ảnh hưởng của tác động của kinh tế toàn cầu, và một số quỹ đã bán bớt cổ phiểu để chốt lời và chuyển bớt vốn về nước.
Chịu áp lực của tình hình kinh tế, thương mại và thị trường chứng khoán (TTCK) của thế giới, khu vực, TTCK Việt Nam đã giảm điểm rất mạnh trong mấy phiên gần đây. Trong phiên 3/7, VN-Index đã giảm tới 41,14 điểm, về mức 906,01 điểm; đến sáng nay, VN-Index lại cho thấy tín hiệu xấu khi chỉ chớm xanh nhẹ, sau đó đã xuyên thủng mốc 900 điểm và lùi tiếp xuống sát 890 điểm, tương đương mất hơn 15 điểm.
Bất chấp những thông tin tích cực từ vĩ mô trong nước như: Tăng tưởng GDP 6 tháng cao nhất từ năm 2011, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào và vốn FDI giải ngân vẫn tăng, tỷ giá dù chịu sức ép nhưng vẫn đủ lực để bình ổn... tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường đang rất yếu bởi sự tác động mạnh mẽ của các thông tin tiêu cực trên thế giới.
Cũng vì tâm lý bất ổn, nên trong phiên giao dịch chiều 3/7, thị trường chịu áp lực bán rất mạnh, làm nhiều mã, đặc biệt là các mã vốn hóa lớn, các mã ngành ngân hàng giảm điểm rất mạnh, nhiều mã giảm sàn và kéo chung điểm số của trường rơi mạnh.
Điều đáng nói ở đây là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư (NĐT) trong nước. Nhiều đánh giá cho rằng, nhiều NĐT đã phản ứng thái quá đối với những thông tin về: Tình hình kinh tế, thương mại quốc tế; NĐTNN đã rút vốn khỏi TTCK Việt Nam; biến động tỷ giá tiền đồng và những thông báo kỷ luật liên quan tới các tổ chức, cá nhân công bố cuối tuần qua... nên đã cố bán cổ phiếu bằng mọi giá. Trong khi khối ngoại bán khá nhiều và giảm giải ngân mới thì những phản ứng thái quá của NĐT trong nước cũng gây thêm bất cân đối cung- cầu, làm TTCK giảm mạnh trong các phiên vừa qua.
Thưa ông, cùng với TTCK, vấn đề tỷ giá cũng đang chịu tác động rất lớn từ các yếu tố bên ngoài và thực tế căng thẳng tỷ giá đã xuất hiện những ngày vừa qua. Ông đánh giá thế nào về yếu tố này đối với diễn biến của TTCK?
FED tăng lãi suất đồng USD, thì tỷ giá tăng là điều không thể tránh khỏi và chúng ta đã có dự báo trước về điều này. Trước hết, chúng ta cần thấy rằng, không chỉ với VND mà hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều đang mất giá so với đồng USD, thậm chí các đồng tiền trong khu vực như: CNY, THB, IDR… còn mất giá gấp nhiều lần VND.
Tuy nhiên, dù không thể chủ quan bởi các yếu tố ngoại rất khó lường, nhưng với các giải pháp chủ động, linh hoạt, cùng với dự trự ngoại hối đang ở mức đỉnh (63,5 tỷ USD), tỷ giá VND về cơ bản vẫn được đảm bảo. Điều này cũng đã được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong những ngày qua.
Còn với TTCK, FED nâng lãi suất và sự lên giá của đồng USD trong thời gian qua là một nguyên nhân khiến giới đầu tư toàn cầu rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. NĐTNN bán ròng liên tục đã gây ra áp lực lớn lên VN-Index. Những diễn biến trên thị trường ngoại hối trong một vài ngày gân đây có thể cũng khiến một số NĐT lo lắng, tuy nhiên nếu hiểu thực chất vấn đề, chúng tôi cho rằng, rủi ro này chưa phải là lớn ở thời điểm hiện tại.
Trong bối cảnh này, ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư?Chúng tôi mong rằng NĐT trong và ngoài nước có cách nhìn khách quan vào tình hình để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh thị trường hiện nay. Không thể phủ nhận tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới như đã nêu trên, nhưng cần nhìn nhận mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.
Ở khía cạnh tích cực trung và dài hạn, chúng tôi tin TTCK Việt Nam còn đó nhiều yếu tố nền tảng cơ bản để phát triển.
Theo đó, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật là GDP tăng 7,08% trong 6 tháng. Ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng cao so với cùng kỳ. Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng quý III đạt 6,53%, quý IV 6,36%.
Đồng thời, cùng với yếu tố “lõi” của TTCK là sức khỏe doanh nghiệp niêm yết vẫn tốt và có xu hướng tốt lên, thì hiện tại giá của các cổ phiếu trong rổ VN30 đã xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2018, nhiều cổ phiếu blue-chips giảm về mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua. Chỉ số P/E chung của thị trường đã về mức thấp và đây là cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư.
Cùng với đó, dòng vốn của NĐTNN có rút trong những ngày gần đây, nhưng nếu nhìn từ đầu năm, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Trong tháng 5, vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào đạt 700 triệu USD và trong tình hình phức tạp của tháng 6 vẫn có lượng vào ròng 34 triệu USD. Nếu tính từ đầu năm, dòng vốn vào ròng vẫn đạt 2,28 tỷ USD - con số rất đáng kể so với mức 2,92 tỷ USD của cả năm 2017.
Về động thái giao dịch của NĐTNN, tôi cũng mong các NĐT bình tĩnh quan sát để tránh bị tác động thái quá về tâm lý và đánh giá quá mức tác động của thông tin bán ròng đến TTCK. Chúng tôi tin rằng, các NĐTNN vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, nên không thể có chuyện NĐTNN rút hết vốn; trong khi chỉ số tổng giá trị chứng khoán nắm giữ của khối ngoại trên dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức khá an toàn.
Ở khía cạnh khác, đơn cử, nếu quan sát 2 phiên giao dịch gần đây có thể thấy ngày 2/7 khi thị trường giảm, NĐTNN vẫn mua ròng trên 310 tỷ đồng. Ngày 3/7 thị trường giảm sâu hơn, NĐTNN bán ròng 365,8 tỷ đồng; nhưng nếu ngoại trừ phần bán ròng của cổ phiếu VIC, thì phần bán ròng ở các cổ phiếu khác ở mức khiêm tốn 142,3 tỷ đồng.