Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Trước đó, vào thời điểm 10 giờ sáng nay, VN-Index giảm 3,22 điểm (0,34%) còn 943,93 điểm; HNX-Index tăng 0,55 điểm (0,53%) lên 103,31 điểm trong khi Upcom-Index cũng tăng 0,01 điểm lên 50,85 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường thậm chí còn chưa đạt mức 500 tỷ đồng. Số mã giảm không thực sự áp đảo số mã tăng, sự giảm giá lại tập trung chủ yếu ở những mã có vốn hóa lớn.
Trong đó, VIC, VNM và GAS là những cổ phiếu tác động tới chỉ số nhiều nhất; tiếp theo đó là nhóm ngân hàng với CTG, TCB, VCB, BID đồng loạt giảm giá. Những bluechips khác như: SAB, ROS, NVL cũng giảm điểm. Cổ phiếu YEG của Yeah1 có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp, ANV của Navico cũng giảm sàn, 2 cổ phiếu này đã giảm 20% giá trị chỉ trong vài phiên gần đây.
Trên sàn HNX, những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất như ACB, VCS, VGC, PVS đồng loạt tăng giá trong phiên sáng nay giúp chỉ số có sự phục hồi đáng kể.
Trước đó, đại diện Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo phiên hôm nay, việc thị trường thu hẹp đà giảm điểm về cuối phiên hôm nay kết hợp với động thái mua ròng trở lại của khối ngoại được xem là tín hiệu bớt tiêu cực, mở ra khả năng hồi phục ngắn hạn trong phiên ngày mai.Tuy vậy, nhiều khả năng nhịp hồi này chỉ mang tính kỹ thuật và chưa vững chắc.
Còn phía Công ty chứng khoán BIDV (BSC) khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục theo dõi và chờ đợi thị trường vượt thoát kênh giảm để tham gia hoặc tăng tỷ trọng danh mục. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán MB-MBS, thị trường giao dịch với tâm lý sợ hãi ngay từ đầu phiên với sự dẫn dắt đi xuống của các bluechips, mặc dù có sự khởi nghĩa của các trụ như VNM, VCB, SAB ở cuối phiên nhưng nỗ lực phục hồi của thị trường vẫn bất thành. Thanh khoản có đôi chút cải thiện so với phiên cuối tuần nhưng vẫn duy trì ở mức thấp.
Đóng cửa phiên đầu tuần hôm qua 2/7, VN-Index giảm 13,63 điểm (-1,42%), xuống 947,15 điểm với 62 mã tăng, trong khi có tới 237 mã giảm.Tổng khối lượng giao dịch đạt 168,21 triệu đơn vị, giá trị 4.087,29 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng, nhưng giảm nhẹ 2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,98 triệu đơn vị, giá trị 756,67 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước, thời gian qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều biến động do chịu sự tác động từ thị trường chứng khoán thế giới và châu Á nhưng thị trường chứng khoán trong nước vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt.
Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng mạnh với 38.752 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 1.788 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Trong 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 40.539 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, yếu tố kinh tế của Việt Nam khá tích cực như GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 7,08% cao nhất kể từ năm 2011 (trong đó quý I +7,45% và quý II +6,79%);
Đặc biệt, giá trị giao dịch phái sinh trong tháng 6 đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với tổng khối lượng giao dịch đạt 1.983.614 hợp đồng với tổng giá trị giao dịch tính theo quy mô danh nghĩa hợp đồng bằng 193.371 tỷ đồng. “Thông số này cho thấy, thị trường chứng khoán phái sinh đang ngày càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư hơn so với trước”, đại diện UBCK Nhà nước nhận định.
Giới chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán cũng kỳ vọng, tháng 7/2018, chứng khoán Việt Nam sẽ không chịu biến động quá mạnh và chỉ điều chỉnh ở mức giảm đến ngưỡng 930 - 910 điểm.