Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết: Tính đến hết quý 3/2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức 8.900 tỷ đồng, tăng trưởng doanh thu 16 quý liên tiếp. Huy động vốn của ngân hàng đạt 218.700 tỷ đồng đã góp phần duy trì thanh khoản dồi dào và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi đạt 70,9%. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 1,8% nhờ chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.
“Thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và giảm chi phí cho vay từ đầu năm”, ông Nguyễn Lê Quốc Anh nói.
Theo báo cáo tài chính vừa được MSB công bố, quý 3/2019, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng đã tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 57.828 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng tốt đã đem về 2.041 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong 9 tháng năm nay, tăng 27,8 % so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết 30/9, dư nợ tín dụng của VietinBank đạt 917.000 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng đạt hơn 865.000 tỷ đồng. Lợi nhuận riêng lẻ trước thuế của VietinBank trong 9 tháng đạt gần 8.300 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận hợp nhất 9 tháng trước thuế của VietinBank đạt gần 8.500 tỷ đồng, tăng trên 11% so với cùng kỳ.
Tín dụng - mảng kinh doanh cốt lõi của BIDV vẫn ghi nhận tăng trưởng thu nhập lãi thuần trong 9 tháng với mức thu nhập lãi thuần đem về là 26.398 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mảng dịch vụ đem về 3.019 tỷ đồng lãi thuần, tăng 19%.
Kết quả tăng trưởng tốt trong 9 tháng năm 2019 của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xóa tan lo lắng về nguy cơ giảm tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong bối cảnh “room” tín dụng ở nhiều tổ chức gần như hết, cộng với chi phí vốn tăng cao.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú, trong 9 tháng năm nay, hệ thống ngân hàng ổn định, ngành ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.
Những tháng cuối năm 2019, NHNN sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của TCTD ở mức hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.