Vào lúc 13 giờ 50 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng Bảy tăng 2,19 USD (1,8%) lên 123,86 USD/thùng, sau khi vọt lên 124,10 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 9/3. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng Tám đã tăng 2,25 USD lên 119,85 USD/thùng còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 4,05 USD (3,5%) lên 119,12 USD/thùng.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 30/5 cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ lệnh cấm phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Nga, sau khi đã đạt được thỏa hiệp với một số nước phản đối lệnh cấm trước đó. Trên mạng xã hội Twitter, quan chức này cho hay các lãnh đạo EU đồng ý về một lệnh cấm ngay lập tức áp dụng đối với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, qua đó cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ của Nga. Theo quan chức này, đây là quyết định nhằm gây sức ép tối đa lên Nga.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) cho rằng trước căng thẳng về nguồn cung, giá dầu đang hướng tới mức cao nhất trong tháng Ba. Bên cạnh đó, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu. Trong tháng Ba, giá dầu đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và đã tăng hơn 55% từ đầu năm đến nay.
Từ ngày 1/6, cuộc sống của người dân Thượng Hải sẽ dần trở lại bình thường, khi những "tấm vé thông hành" do các tòa nhà dân cư cấp cho người dân ra ngoài trong vài giờ sẽ bị loại bỏ, giao thông công cộng sẽ hoạt động trở lại và người dân có thể trở lại nơi làm việc.
Về mặt sản xuất, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, dự kiến bám sát thỏa thuận năm ngoái tại cuộc họp ngày 2/6, với mức tăng sản lượng khiêm tốn trong tháng Bảy, bất chấp lời kêu gọi của các nước phương Tây về việc tăng nhanh sản lượng để hạn chế đà tăng của giá dầu.
Các thành viên của OPEC+ cho rằng thị trường dầu đang cân bằng và đà tăng giá gần đây không liên quan đến các yếu tố cơ bản.