Trong chiều 24/3, giá dầu Brent Biển Bắc có lúc giảm 34 xu Mỹ, hay 0,45%, xuống 75,57 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 32 xu Mỹ, hay 0,46%, xuống 69,64 USD/thùng. Cả hai loại dầu trên đều đang trên đà ghi nhận mức giảm giá cả tuần khoảng 3 - 4%.
Ông Hiroyuki Kikukawa, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán Nissan Securities, cho biết dầu đang bị bán tháo với quan điểm rằng Mỹ sẽ không làm đầy kho dự trữ kể cả khi giá dầu WTI ở mức 67 - 72 USD/thùng. Trước đó, Nhà Trắng hồi tháng 10 năm ngoái cho biết sẽ mua lại dầu cho kho SPR khi giá nằm trong hoặc dưới khoảng 67 - 72 USD/thùng.
Bộ trưởng Granholm nói với các nghị sỹ rằng sẽ rất khó để tận dụng giá thấp trong năm nay để bổ sung cho kho dự trữ, vốn đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1983.
Ông Kikukawa cho biết việc nguồn cung dầu thô từ Nga tiếp tục đổ vào thị trường toàn cầu cũng đang ảnh hưởng đến giá dầu, và có thể cùng với những lo ngại về tình hình bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng đẩy giá dầu xuống các mức thấp ghi nhận trong tuần này.
Hãng thông tấn RIA Novosti cho biết Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga sẽ giảm 500.000 thùng/ngày từ mức sản lượng 10,2 triệu thùng/ngày của tháng 2, có nghĩa là Nga đặt mục tiêu sản xuất 9,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 3 - 6. Đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với mức mà Nga đã từng đề cập trước đó.
Tuy nhiên, đồng USD giảm hơn 1% trong tuần qua đã phần nào hạn chế đà giảm của giá dầu. Bên cạnh đó, những dự đoán về nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc cũng hỗ trợ giá “vàng đen”. Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán nhu cầu dầu tại Trung Quốc có thể lên đến 16 triệu thùng/ngày.